Bác sĩ đa khoa muốn bổ sung thêm chuyên khoa vào phạm vi hành nghề thì cần có điều kiện gì? Hiện nay bác sĩ đa khoa có được học định hướng chuyên khoa răng hàm mặt để bổ sung thêm chuyên khoa răng hàm mặt vào phạm vi hành nghề?
1. Bác sĩ đa khoa muốn bổ sung thêm chuyên khoa vào phạm vi hành nghề thì cần điều kiện gì?
Việc bổ sung thêm chuyên khoa vào phạm vi hành nghề được quy định tại Điều 19 Nghị định 96/2023/NĐ-CP như sau:
- Các trường hợp được bổ sung thêm chuyên khoa vào phạm vi hành nghề bao gồm:
+ Đã được cấp giấy phép hành nghề, trong phạm vi hành nghề chưa có chuyên khoa và đề nghị bổ sung thêm chuyên khoa vào phạm vi hành nghề;
+ Đã được cấp giấy phép hành nghề, trong phạm vi hành nghề đã có chuyên khoa nhưng đề nghị bổ sung thêm chuyên khoa khác so với chuyên khoa đã được cấp trong phạm vi hành nghề;
- Điều kiện bổ sung thêm chuyên khoa vào phạm vi hành nghề:
+ Đối với trường hợp đã được cấp giấy phép hành nghề nhưng trong phạm vi hành nghề chưa có chuyên khoa và đề nghị bổ sung thêm chuyên khoa vào phạm vi hành nghề: phải có văn bằng chuyên khoa theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 96/2023/NĐ-CP tương ứng với chức danh trên giấy phép hành nghề và chuyên khoa đề nghị bổ sung;
+ Đối với trường hợp đã được cấp giấy phép hành nghề, trong phạm vi hành nghề đã có chuyên khoa nhưng đề nghị bổ sung thêm chuyên khoa khác so với chuyên khoa đã được cấp trong phạm vi hành nghề: phải có văn bằng chuyên khoa theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 96/2023/NĐ-CP tương ứng với chức danh trên giấy phép hành nghề và chuyên khoa đề nghị bổ sung;
Như vậy, hiện hành bác sĩ đa khoa muốn được bổ sung thêm chuyên khoa vào phạm vi hành nghề thì phải có văn bằng chuyên khoa được cấp bởi cơ sở đào tạo hợp pháp với thời gian đào tạo tối thiểu 18 tháng tương ứng với chức danh bác sĩ và chuyên khoa đề nghị bổ sung.
2. Học định hướng chuyên khoa răng hàm mặt có được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn của chuyên khoa răng hàm mặt không?
Theo Công văn 3928/BYT-K2ĐT năm 2019 thì đến nay không có văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền quy định về đào tạo định hướng chuyên khoa, việc đào tạo định hướng chuyên khoa hầu hết là do các Trường đại học Y Dược, các Bệnh viện tự tổ chức để đáp ứng nhu cầu của người học và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các chương trình đào tạo định hướng chuyên khoa đều do các Trường đại học Y Dược, các Bệnh viện tự xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức đào tạo. Do vậy, việc đào tạo định hướng chuyên khoa hiện nay không được kiểm soát về chất lượng của cơ sở đào tạo, người giảng dạy, chương trình đào tạo và chưa có chuẩn năng lực chung để bảo đảm chất lượng đào tạo… Bộ Y tế đề nghị các cơ sở đào tạo không thực hiện các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa.
Cũng theo Công văn 787/BYT-KCB năm 2021 thì: Đối với bác sỹ đã được cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh đa khoa, khi có thêm chứng chỉ, chứng nhận đào tạo từ 6 tháng trở lên tùy theo từng chuyên khoa (trong đó có cả chứng chỉ, chứng nhận định hướng chuyên khoa bắt đầu đào tạo trước ngày 09/7/2019 là ngày ban hành Công văn 3928/BYT-K2ĐT năm 2019 của Bộ Y tế về việc không đào tạo định hướng chuyên khoa) thì được bổ sung chuyên khoa đó vào phạm vi hoạt động chuyên môn (trừ chuyên khoa răng hàm mặt).
Như vậy, các bác sĩ đa khoa học định hướng chuyên khoa răng hàm mặt không được bổ sung thêm chuyên khoa răng hàm mặt vào phạm vi hành nghề.