Theo quy định tại Luật Thương mại 2005:
"Điều 319. Thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này."
Ở đây, thời hạn khởi kiện luật đã định rõ là 02 năm, do đó, trong thời gian 02 năm kể từ ngày hàng hóa hư hỏng (tức là lúc bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp) bên khách hàng của chị hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường, chứ không cần phụ thuộc vào việc bên chị có được bên Bảo hiểm bồi thường hay không. Hai hợp đồng (HĐ lưu giữ hàng hóa và hợp đồng bảo hiểm) tách biệt nhau nên dù bên Bảo hiểm không bồi thường cho bên chị thì bên chị cũng phải có nghĩa vụ bồi thường cho số hàng hóa hư hỏng.
Theo Bộ Luật tố tụng dân sự 2015:
"Điều 184. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
...
2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc."
Theo đó, nếu hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án vẫn thụ lý đơn, tuy nhiên, một trong hai bên có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện. Hiểu nôm na là nếu hết thời hiệu khởi kiện rồi mà khách hàng nộp đơn lên, nếu bên chị đồng ý không phản bác gì thì vụ án được thụ lý và giải quyết như bình thường. Còn nếu như bên chị phản bác là đã hết thời hiệu khởi kiện thì vụ án sẽ bị đình chỉ theo điểm e khoản 1 Điều 217.
Do đó, việc ký thỏa thuận gia hạn khởi kiện, bản chất nó là ký thỏa thuận là nếu có hết thời hiệu khởi kiện thì bên chị vẫn chấp nhận để Tòa án thụ lý. Việc ký thế này thật ra là để tạo lòng tin, vì giả sử bên chị có ký thỏa thuận rồi, nhưng đến khi ra Tòa bên mình phá vỡ thỏa thuận và yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa cũng sẽ làm theo nguyên tắc của luật và đình chỉ vụ án, chứ Tòa sẽ không dựa vào "thỏa thuận gia hạn thời hiệu khởi kiện" để mà tiếp tục xử lý vụ án được.