Áp dụng Án lệ 32/2020/AL khi người khai hoang đất bỏ đi khỏi địa phương, không quản lý, sử dụng đất?

Chủ đề   RSS   
  • #609416 14/03/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Áp dụng Án lệ 32/2020/AL khi người khai hoang đất bỏ đi khỏi địa phương, không quản lý, sử dụng đất?

    Xác định quyền sử dụng đất khi người khai phá đất nông nghiệp bỏ đi khỏi địa phương, không quản lý, sử dụng đất trong thời gian dài và người khác đã quản lý, sử dụng đất ổn định, lâu dài?

    Tìm hiểu nội dung của Án lệ 32/2020/AL về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài (được ban hành kèm theo Quyết định 50/QĐ-CA năm 2020 về công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành).

    Khái quát án lệ:

    -Tình huống án lệ:

    Đất có nguồn gốc là do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ổn định, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

    - Giải pháp pháp lý:

    Trường hợp này, phải xác định cá nhân khai phá đất không còn quyền sử dụng đất hợp pháp nên việc yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất là không có cơ sở để chấp nhận.

    Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

    - Khoản 2 Điều 10, khoản 1, khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (tương ứng với khoản 5 Điều 26, khoản 1, khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013);

    - Khoản 1 Điều 164, Điều 176, khoản 2 Điều 177, các điều 192, 196, 201 Bộ luật Dân sự năm 1995 (tương ứng với khoản 1 Điều 155, Điều 170, khoản 2 Điều 171, các điều 185, 190, 195 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 150, Điều 221, khoản 2 Điều 237, các điều 187, 182, 192 Bộ luật Dân sự năm 2015).

    Nội dung án lệ:

    “[1] Thửa đất số 135 tại ấp X, xã N, huyện H, tỉnh Bạc Liêu có nguồn gốc do vợ chồng cụ K khai phá khoảng năm 1958, nhưng gia đình cụ C1 đã sử dụng ổn định đất này ít nhất từ năm 1975 cho đến nay. Quá trình sử dụng, cụ C1 đã đăng ký, kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997, sau đó cụ C1 đã làm thủ tục tặng cho ông N và ông N đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009. Vợ chồng cụ K không đăng ký, kê khai, sử dụng diện tích đất trên và không có một trong các loại giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 (trước đây là Điều 50 Luật Đất đai năm 2003). Mặt khác, gia đình cụ K đều đã xuất cảnh, định cư ở Mỹ, nên không đủ điều kiện để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 54, Điều 55, Điều 56, Điều 183 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, vợ chồng cụ K không có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất đang tranh chấp nêu trên. Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S là không đúng.”

    Áp dụng án lệ:

    Như vậy, có thể thấy, trong vụ việc tạo lập Án lệ số 32/2020/AL thì yếu tố cốt lõi để xác định người khai phá đất không còn quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất đã khai phá là người khai phá đất đã đi định cư ở nước ngoài, không trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất đó; người sử dụng đất ở trong nước đã quản lý, sử dụng đất đó ổn định, lâu dài, đã tôn tạo đất, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nội dung án lệ này có ý nghĩa làm rõ quy định của pháp luật, có tính ứng dụng trong thực tiễn xét xử.

    Tuy nhiên, tình huống được đặt ra, nếu cá nhân khai phá đất nông nghiệp không “xuất cảnh định cư ở nước ngoài” mà bỏ đi khỏi địa phương đó, không quản lý, sử dụng đất đã khai phá trong thời gian dài và người khác đã quản lý, sử dụng đất ổn định, lâu dài; đã tôn tạo đất, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có thể áp dụng án lệ này để xác định cá nhân khai phá đất nông nghiệp đó không còn quyền sử dụng đối với đất đã khai phá nữa hay không?

    Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Sơn – Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 thì “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 70 của Luật này”; nhà nước thu hồi đất trong trường hợp “Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn tháng liền.” Như vậy, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không đủ điều kiện để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất nông nghiệp. Do đó, nếu cá nhân khai phá đất nông nghiệp không “xuất cảnh định cư ở nước ngoài” mà bỏ đi khỏi địa phương đó, không quản lý, sử dụng đất đã khai phá trong thời gian dài và người khác đã quản lý, sử dụng đất ổn định, lâu dài; đã tôn tạo đất, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng có thể áp dụng án lệ này để xác định cá nhân khai phá đất nông nghiệp đó không còn quyền sử dụng đối với đất đã khai phá nữa.

     
    562 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận