Câu hỏi: Cho tôi hỏi một vấn đề về đất đai như sau. Cha mẹ tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 90, năm 2000 mẹ mất, đến năm 2003 mọi người trong gia đình gia đình tôi gồm bố và 7 người con bao gồm cả tôi (vắng một người là người anh ở xa không về được), làm thủ tục tặng cho tôi phần đất 300 m2, còn 400 m2 còn lại đứng tên bố. Đến nay mảnh đất của tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vào tháng 12/2019 bố tôi mất, phần đất của bố tôi đứng tên ( 400 m2) chia đều cho các anh em. Tuy nhiên người anh kia không chịu và muốn kiện đòi chia cả phần đất mà tôi đang đã được tặng cho. Vậy cho tôi hỏi tôi có phải chia đất cho anh tôi không?
Trả lời: Bạn tham khảo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về những người được thừa kế theo pháp luật. Theo đó, con thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản của bố mẹ để lại. Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn mất không để lại di chúc, theo đó, tài sản riêng của bố bạn sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật. Theo thông tin bạn cung cấp thì mảnh đất này được cấp giấy chứng nhận cho cha mẹ trong thời kỳ hôn nhân nên được coi là tài sản chung của hai vợ chồng, mỗi người được sở hữu một nửa. Sau khi mẹ mất, phần tài sản của mẹ ( một nửa mảnh đất này) không có thỏa thuận chia di sản. Sau đó, mọi người có thỏa thuận tặng cho bạn 300 mét vuông đất. Tuy nhiên theo thông tin bạn cung cấp có một người anh ở xa không về được làm thủ tục. Như vậy không xác định được người này quyết định như thế nào về vấn đề này, có đồng ý với việc tặng cho này hay không, bởi lẽ người anh này cũng có quyền được hưởng di sản của cha mẹ để lại.
Theo lập luận như vậy, người anh có cơ sở để khởi kiện đòi chia di sản. Bao gồm cả phần đất của bạn. Tuy nhiên, bạn cần phải xác định rằng, nếu có bằng chứng chứng minh rằng người anh có biết đến thỏa thuận tặng cho đất và đồng ý với thỏa thuận này thì người anh không được chia phần di sản đã tặng cho bạn (phần 300 m2 đất bạn đang sở hữu) còn ngược lại thì không được.