"Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" có nghĩa là gì? Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa anh chị em?

Chủ đề   RSS   
  • #614639 30/07/2024

    phamthithucquyen

    Sơ sinh

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:27/03/2024
    Tổng số bài viết (61)
    Số điểm: 410
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" có nghĩa là gì? Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa anh chị em?

    "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" có nghĩa là gì? Theo quy định pháp luật, anh chị em trong gia đình có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng nhau trong trường hợp nào? 

    "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" có nghĩa là gì?

    Trong cuộc sống gia đình, chắc chắn có lúc xảy ra xung đột mâu thuẫn với anh chị em nhưng không phải vì thế mà ta giận nhau đánh nhau thậm chí là chửi, nhục mạ nhau.

    Anh chị em nên từ từ giải quyết mọi vấn đề trong gia đình hãy "đóng cửa bảo nhau" bởi "anh em như thể tay chân" hay "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Dù là xung đột, mẫu thuẫn nào hãy từ từ giải quyết, cùng khuyên bảo nhau.

    Câu tục ngữ "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" nói về cách đối nhân xử thế giữa những người anh em trong nhà, cùng máu mủ ruột thịt với nhau, cần phải biết nhường nhịn và giúp đỡ nhau. Khi xảy ra tranh cãi, không nên làm lớn chuyện, mà nên đóng cửa, nói với nhau nhỏ nhẹ, rồi từ từ giải quyết vấn đề. 

    Anh chị em trong gia đình có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng nhau trong trường hợp nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em như sau:

    Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

    Theo đó, pháp luật cũng đã có những quy định về quyền và nghĩa vụ của anh, chị, em để tạo cơ sở pháp lý cho việc gắn bó trách nhiệm giữa các thành viên với nhau. Anh, chị, em có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

    Như vậy, chỉ khi nào không còn cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có khả năng để nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho con thì anh, chị, em mới có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau.

    Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 112 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 anh, chị, em chỉ có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

    - Không còn cha mẹ.

    - Cha mẹ không có khả năng lao động, không có tài sản để cấp dưỡng cho con.

    Trong trường hợp này, nếu anh, chị đã thành niên không sống chung với em thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản tự nuôi mình hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản tự nuôi mình.

    Ngược lại, nếu em đã thành niên không chung sống với anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình thì cũng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị.

    Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị và em đều áp dụng với cả hai phía anh chị với em hoặc em với anh chị. Đây là mối quan hệ cấp dưỡng được ưu tiên thứ hai sau nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ, con.

    Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh,chị, em bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nào?

    Căn cứ Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, thuộc một trong hai trường hợp sau và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    - Có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng những không thực hiện làm cho anh, chị, em lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe.

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mà còn vi phạm.

    Cần lưu ý: Quy định này không áp dụng đối với trường hợp phạm tội không chấp hành án (Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015). 

    Tóm lại, câu tục ngữ "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" là lời nhắc nhở cho chúng ta trong việc xây dựng và giữa mối quan hệ tốt đẹp giữa anh chị em với nhau trong gia đình. 

    Tình yêu thương, sự quý mến, đùm bọc và sự giúp đỡ giữa những người anh, chị, em là một trách nhiệm lớn để bảo vệ và nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình.

    Thực tế cuộc sống còn nhiều trường hợp mất ý thức, thiếu trách nhiệm, khiến cho mối quan hệ trong gia đình trở nên khó khăn. Sự ích kỷ, tham lam, ghen tị, và tranh chấp vì lợi ích cá nhân đe dọa sự đoàn kết gia đình.

    Do đó, anh, chị, em trong gia đình phải đồng lòng xây dựng một cộng đồng gia đình vững mạnh và bền vững. Hãy học cách chia sẻ yêu thương, giúp đỡ anh, chị, em, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ. 

     
    394 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận