Vào ngày 16/12/2015, Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành đã bắt đầu có hiệu lực. Mặc dù đã tồn tại trên thế giới hàng trăm năm, nhưng ở Việt Nam là nguồn luật khá mới mẻ. Do đó, việc đặt ra các nguyên tắc xây dựng án lệ như thế nào vẫn đang còn nhiều quan điểm, luồng ý kiến khác nhau.
Trong khi câu hỏi “Có nên đưa tên thật của đương sự vào án lệ?” còn chưa có lời giải đáp, một vấn đề pháp lý mới đã được đưa lên bàn để phân tích và mổ xẻ - “Có nên hay không rút gọn án lệ?”
Cũng như việc đưa tên thật của đương sự vào án lệ, các luật gia đã chia thành hai luồng quan điểm chiều:
- Quan điểm thứ nhất: “Án lệ rất quan trọng cả về hình thức và nội dung, về cách viết, cách lập luận, căn cứ pháp luật nên tất cả phải để nguyên thủy, không thể chỉnh sửa.” (Luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM)
Để trở thành một án lệ, một bản án phải mang tính chuẩn mực, chứa đựng lập luận làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; Đồng thời, bản án đó phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau. Do đó, án lệ phải mang tính khách quan. Việc biên tập lại án lệ sẽ khiến bản án mang tính chủ quan của người biên tập, đôi khi khiến người đọc hiểu lầm và dễ áp dụng sai.
Bên cạnh đó, để áp dụng án lệ vào trong quá trình xét xử, bắt buộc vụ việc phải có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau; nếu lược bớt các tình tiết dù nhỏ cũng có thể dễ gây ra sự nhầm lẫn trong việc xác định án lệ áp dụng.
- Quan điểm thứ hai: Không nhất thiết phải “bưng nguyên toàn bộ bản án được chọn làm án lệ”, cần ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, tiện cho việc nghiên cứu và áp dụng. Thêm vào đó, khi biên tập lại để đưa vào hệ thống án lệ, bán án đều phải được thông qua bởi Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao rồi mới ban hành, do đó, không thể xem là xuất phát từ ý chí chủ quan của một người. (Thẩm phán Trương Việt Hồng - Chánh án TAND huyện Cần Giờ, TP.HCM)
Nhiều luật gia cho rằng, trên thực tế, do đặc điểm vùng miền, nhiều bản án khá khó hiểu và đôi khi có sử dụng cả từ địa phương. Vì vậy, chúng ta nên có sự biên tập lại các bản án này, bỏ bớt những chi tiết thừa, không cần thiết, có chú thích rõ ràng đối với những từ ngữ địa phương.
Ngoài ra, còn một quan điểm thứ ba là sự kết hợp giữa hai quan điểm trên khi cho rằng cả hai đều có lý lẽ vững chắc. Vi vậy, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên dung hòa bằng cách giữ nguyên bản án gốc đồng thời biên tập thêm một cuốn án lệ tham khảo nhằm hỗ trợ việc nghiên cứu.
Cập nhật bởi duongtran.18 ngày 05/01/2016 08:07:21 SA
Cập nhật bởi duongtran.18 ngày 05/01/2016 08:04:10 SA