Câu tục ngữ "Ăn có nhai, nói có nghĩ" có ý nghĩa gì? Người phát ngôn xúc phạm danh dự người khác bị phạt bao nhiêu tiền theo quy định pháp luật hiện hành?
Ăn có nhai, nói có nghĩ có ý nghĩa gì?
Câu tục ngữ "Ăn có nhai, nói có nghĩ" là câu tục ngữ được lưu truyền từ xưa đến nay nhằm dùng một sự việc hiển nhiên như việc ăn thì phải nhai để đúc kết dạy bảo chúng ta trước khi nói thì cũng phải suy nghĩ.
Câu tục ngữ "Ăn có nhai, nói có nghĩ" có ý nghĩa khuyên chúng ta phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, trước khi nói phải suy nghĩ thật thận trọng, tránh việc gặp đâu nói đấy, nói bậy nói bạ, hay có những phát ngôn, những lời nói ảnh hưởng đến người khác, xúc phạm nhân phẩm, thanh danh người khác.
Phát ngôn xúc phạm danh dự người khác bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt đối với hành vi phát ngôn xúc phạm danh dự người khác cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
+ Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
...
Như vậy, người nào phát ngôn xúc phạm danh dự người khác nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng.
Trường hợp có lời nói lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng và đối với thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, người người có hành vi phát ngôn xúc phạm danh dự người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh sau:
(1) Tội làm nhục người khác
Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Khung hình phạt cao nhất đối với người phạm tội làm nhục người khác là 02 năm đến 05 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
(2) Tội vu khống
Theo quy định tại Điều Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), người có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống.
Khung hình phạt thấp nhất với tội danh này là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Và hình phạt cao nhất có thể lên đến 07 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tóm lại, câu tục ngữ "Ăn có nhai, nói có nghĩ" có ý nghĩa khuyên chúng ta cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, trước khi nói phải suy nghĩ thật thận trọng, tránh ảnh hưởng đến người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Và, người nào có phát ngôn xúc phạm danh dự người khác sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.