Ai điều hành Bộ Quốc phòng khi Bộ trưởng vắng mặt? Tiêu chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay như thế nào? Bộ trưởng Bộ Quốc phòng do ai bổ nhiệm? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Ai sẽ điều hành Bộ Quốc phòng khi Bộ trưởng vắng mặt?
Căn cứ Điều 9 Thông tư 99/2019/TT-BQP có quy định Bộ Tổng Tham mưu là Cơ quan thường trực của Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương. Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Theo đó, chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền thực hiện công tác quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao với các nội dung:
- Tham gia thẩm định các dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, kế hoạch phòng thủ dân sự.
- Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng củng cố thế trận quốc phòng, xây dựng và hoạt động phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ.
- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tuyển sinh quân sự; xây dựng, huy động lực lượng, phương tiện dự bị động viên và động viên công nghiệp; tham mưu thành lập, giải thể trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc các nhà trường Quân đội.
- Xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch, tập huấn, huấn luyện, luyện tập, diễn tập, kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện công tác quốc phòng bộ, ngành Trung ương, địa phương;
Ngoài ra, Bộ Tổng Tham mưu còn có trách nhiệm chỉ đạo Cục Dân quân tự vệ - Cơ quan giúp việc Cơ quan thường trực của Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương tham mưu thực hiện các nội dung:
- Thành lập, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương; phối hợp kiểm tra cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ngành, lĩnh vực quản lý thực hiện công tác quốc phòng, quân sự.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tập huấn cho cán bộ ban chỉ huy quân sự, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, tổng kết công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương.
- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Từ quy định nêu trên, có thể thấy, hiện nay, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam là cơ quan tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng của Đảng và Nhà nước. Đồng thời cũng là cơ quan chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn là cơ quan thường trực của Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương Khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vắng mặt. Tổng Tham mưu trưởng kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ là người thay thế Bộ trưởng điều hành các hoạt động của Bộ.
(2) Tiêu chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay như thế nào?
Căn cứ tiết a tiểu mục 2.15 Mục 2 Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 quy định tiêu chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bao gồm:
- Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, nắm chắc pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.
- Có năng lực cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hoạch định phương hướng, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
- Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.
Theo đó, hiện nay, chức danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần đáp ứng những tiêu chuẩn như đã nêu trên.
(3) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng do ai bổ nhiệm?
Căn cứ khoản 3 Điều 98 Hiến pháp 2013 có nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đồng thời, tại khoản 7 Điều 70 Hiến pháp 2013 một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội là phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.
Theo đó, Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng do Thủ tướng Chính phủ trình.
Ngoài ra, tại Điều 88 Hiến pháp 2013 có quy định Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
“2. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;”
Từ dẫn chiếu những quy định nêu trên, có thể thấy, sau khi Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì Chủ tịch nước sẽ căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.