Thuế gián thu là gì? Ai là người chịu thuế gián thu? Có bao nhiêu loại thuế gián thu hiện nay?
(1) Thuế gián thu là gì?
Hiện nay không có quy định nào quy định về thuế gián thu, nhưng ta có thể hiểu, gián có nghĩa là gián tiếp, do đó thuế gián thu là số tiền thuế được thu gián tiếp, thông qua một bên, người nộp thuế không đồng thời là người chịu thuế.
Thông thường, người sản xuất, người kinh doanh có thu nhập, có lợi nhuận, doanh thu thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ phải đóng thuế dựa trên thu nhập, lợi nhuận mà người sản xuất, người kinh doanh đó thu lợi (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp,...), tuy nhiên có một số loại thuế mà người sản xuất, người kinh doanh là người nộp, nhưng người đóng thuế lại là người tiêu dùng.
Những khoản thuế do người sản xuất, người kinh doanh nộp nhưng người chịu thuế là người tiêu dùng được gọi là thuế gián thu.
Ví dụ: Thuế giá trị gia tăng được tính trên từng món hàng hóa mà người tiêu dùng mua, dù là một cái kẹo hay nước suối đóng chai thì đều có thuế giá trị gia tăng. Theo đó, người tiêu dùng sẽ chịu thuế giá trị gia tăng của hàng hóa thông qua việc mua hàng, nhưng không phải trực tiếp nộp số tiền thuế đó cho cơ quan thuế, mà người nộp thuế sẽ là doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh củ cải hay chai nước suối đóng.
(2) Ai là người chịu thuế gián thu?
Như đã đề cập ở trên, thuế gián thu thông thường sẽ được cộng thẳng vào sản phẩm, hàng hóa được bán ra, và người tiêu dùng, người mua cuối cùng và là người sử dụng sản phẩm, hàng hóa đó là người phải chịu thuế gián thu, người sản xuất, kinh doanh chỉ thay mặt người tiêu dùng nộp thuế cho cơ quan thuế mà thôi.
(3) Các loại thuế gián thu hiện nay
Các loại thuế gián thu phổ biến trong nước ta hiện nay bao gồm:
1- Thuế Giá trị gia tăng (VAT)
Căn cứ theo Điều 4, Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008 quy định:
“Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).”
Số tiền thuế VAT sẽ được cơ sở kinh doanh nộp cho nhà nước, và sau đó tính lại thuế trên vào số tiền sản phẩm, hàng hóa. Do đó người chịu thuế thực tế là người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa đó.
2- Thuế xuất nhập khẩu
Theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, đối tượng chịu thuế là:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
Người tiêu dùng mua những sản phẩm, hàng hóa chịu thuế xuất nhập khẩu kể trên sẽ là người đóng tiền thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên số tiền thuế này sẽ được cộng vào sản phẩm, hàng hóa (như thuế GTGT) khi người tiêu dùng mua hàng, và người nộp thuế là chủ hàng hóa, do đó đây cũng là một loại thuế gián thu.
3- Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào các mặt hàng xa xỉ phẩm, không thiết yếu nhưng có nhu cầu từ xã hội. Những người mua các sản phẩm bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là người đóng tiền thuế, tuy nhiên người nộp thuế sẽ là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, do đó đây cũng là một loại thuế gián thu.
Theo Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008, các hàng hóa, dịch vụ sau đây phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt:
♦ Hàng hóa:
- Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm
- Rượu
- Bia
- Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng
- Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3
- Tàu bay, du thuyền
- Xăng các loại
- Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống
- Bài lá
- Vàng mã, hàng mã
♦ Dịch vụ:
- Kinh doanh vũ trường
- Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);
- Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;
- Kinh doanh đặt cược;
- Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;
- Kinh doanh xổ số.
Người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ kể trên sẽ là người chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
4- Thuế bảo vệ môi trường
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 nêu rõ, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Ví dụ như khi đi đổ xăng, mua than, mua túi nilon, thì người nộp thuế là người sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó nhưng người thực tế chịu thuế là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Trên đây là một số khoản thuế gián thu phổ biến trong xã hội, vẫn còn một số loại thuế gián thu khác như: thuế tài nguyên, thuế doanh thu, thuế môn bài,...