Hiện nay có rất nhiều trường hợp vay vốn của ngân hàng mà biện pháp bảo đảm bằng tài sản là nhà đất của người thứ ba (người này không vay vốn, không có giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ dân sự đối với ngân hàng). Nội dung của hợp đồng thế chấp nhà đất quy định nếu bên vay không trả nợ đúng thời hạn cho ngân hàng thì ngân hàng có quyền phát mại tài sản của bên thứ ba để thu hồi vốn vay. Thực tế, phần lớn bên vay không trả được nợ và cố tình không trả nợ, ngân hàng khởi kiện, nhiều tòa án tuyên ngân hàng có quyền xử lý tài sản của người thứ ba để thu hồi nợ. Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thế chấp tài sản như sau:
Điều 317. Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Điều 335. Bảo lãnh
1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Căn cứ quy định nêu trên, việc gia đình bạn cho chú ruột của bạn mượn sổ đỏ để vay ngân hàng thì người đứng tên thế chấp có nghĩa vụ trả nợ thay cho chú bạn khi chú bạn không còn khả năng trả nợ. Theo thỏa thuận giữa gia đình và chú bạn, việc cho mượn sổ đỏ có nghĩa là gia đình bạn đã đồng ý đem tài sản của gia đình để bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của chú bạn. Gia đình bạn cho mượn sổ đỏ và người đứng tên sẽ đóng vai trò là người bảo lãnh. Và trong trường hợp chú của bạn không trả được nợ, bên bảo lãnh (gia đình bạn) phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người được bảo lãnh (chú bạn). Sau khi trả xong nợ thì mới lấy lại được sổ đỏ. Nếu không trả được nợ ngân hàng sẽ xử lý tài sản đã thế chấp theo quy định.
Để có thể lấy lại được sổ đỏ, gia đình bạn có thể yêu cầu chú của bạn dùng một tài sản khác có giá trị tương đương đề nghị ngân hàng nhận thế chấp thay cho sổ đỏ của gia đình bạn. Hoặc lập một bản thỏa thuận gia đình bạn trực tiếp đứng ra trả nợ cho ngân hàng để ngân hàng trả lại sổ đỏ, sau đó yêu cầu chú bạn trả tiền cho gia đình bạn. Nếu chú bạn không chịu trả nợ, gia đình bạn có thể khởi kiện ra Tòa án cấp huyện nơi chú bạn cư trú. Khi khởi kiện, gia đình bạn cần có đầy đủ giấy tờ, chứng cứ chứng minh thỏa thuận về việc chú bạn mượn sổ đỏ, gia đình bạn đã trả nợ thay và chú bạn có nghĩa vụ trả tiền cho gia đình bạn....
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.