Chào bạn, dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin được góp ý như sau:
Cần lưu ý, những thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, bởi để có thể kết luận chính xác, cần thêm những thông tin cụ thể: Các giấy tờ về quyền sử dụng mảnh đất: biên lai thu thuế, GCNQSDĐ,..; Trích lục bản đồ địa chính; Văn bản ủy quyền, ủy quyền lại,...
- 1- Ông A có đòi được nhà không?
Theo như thông tin bạn cung cấp thì giấy ủy quyền có nội dung:" ...ông A ủy quyền lại cho bà G trông coi nhà và đất này trong vòng 2 năm, và nếu 2 năm sau ông không trở về thì nhà và đất này sẽ do nhà nước quản lý".
Vì chưa xác minh được chính xác nội dung giấy ủy quyền nên chúng tôi chia thành hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Trong giấy ủy quyền có ghi rõ trách nhiệm của bà G khi hết 2 năm phải thực hiện thủ tục giao trả đất cho Nhà nước quản lý:
Trong trường hợp này, do bà G không thực hiện nghĩa vụ giao lại đất trong Hợp đồng ủy quyền nên ông A vẫn có quyền đối với mảnh đất đó. Căn cứ theo Điều 424 về hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ:
Điều 424. Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng.
2. Trường hợp do tính chất của hợp đồng hoặc do ý chí của các bên, hợp đồng sẽ không đạt được mục đích nếu không được thực hiện trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải tuân theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Và Điều 155 BLDS 2015 về việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây: [...]3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.[...].
Do vậy, ông A vẫn có thể đòi lại mảnh đất.
Trường hợp 2: Trong giấy ủy quyền chỉ ghi chung chung là hết 2 năm thì nhà và đất sẽ do Nhà nước quản lý:
Nghĩa là, trường hợp này, ông A đã từ bỏ quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng mảnh đất của mình. Khi đó, bà G thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng mảnh đất,ngôi nhà này- tài sản đã bị từ bỏ quyền sở hữu là tài sản vô chủ.
Căn cứ Điều 165 BLDS 2015:
Điều 165. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật
1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:[...]
d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
Theo đó, bà G và con cháu đã chiếm hữu, sử dụng mảnh đất, ngôi nhà mà ông A đã từ bỏ quyền sở hữu, sử dụng là có căn cứ pháp luật. Do vậy, ông A khó có thể đòi lại tài sản trong trường hợp này được.
- 2- Trong trường hợp ông A đòi được nhà Khách hàng có được quyền lợi gì từ căn nhà của ông A không:
Trước hết, gia đình bạn sẽ được bồi thường chi phí mà mình đã bỏ ra trong thời hạn ủy quyền 2 năm trong trường hợp có thỏa thuận trước đó với ông A, theo quy định tại BLDS 2015:
Điều 566. Quyền của bên được ủy quyền
1. Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.
2. Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.
Đối với những chi phí mà gia đình bạn đã bỏ ra tân tạo ngôi nhà khi hết thời hạn ủy quyền, để biết được có được bồi thường khi ông A đòi lại nhà không còn phải căn cứ vào các yếu tố như:
Căn cứ Điều 583 về nghĩa vụ thanh toán của chủ sở hữu với tài sản được hoàn trả
“Điều 583. Nghĩa vụ thanh toán
Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản, người bị thiệt hại được hoàn trả tài sản thì phải thanh toán chi phí cần thiết mà người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình bỏ ra để bảo quản, làm tăng giá trị của tài sản“
Điều 181 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
"Điều 181. Chiếm hữu không ngay tình
Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu"
Do vậy, có khả năng gia đình bạn không được hoàn trả chi phí duy trì, bảo quản, các loại phí đã đóng trong thời gian qua, vì gia đình bạn đã chiếm hữu không ngay tình.
Tuy nhiên, những năm 1980, nhà nước có chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng đất đai, các đất bỏ hoang có thể bị tịch thu.
Quyết định số 201-CP ngày 01-7-1980 của Hội đồng chính phủ về việc Thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước có ghi:
2. Người sử dụng đất có các trách nhiệm chung sau đây:
c) Nếu đất không sử dụng hoặc không sử dụng hết đất thì người sử dụng đất phải trả lại phần đất không sử dụng cho Nhà nước. Đối với đất trước kia thuộc sở hữu cá thể hợp pháp, khi người chủ đất không sử dụng nữa (hoặc không có người thừa kế hợp pháp sử dụng) thì Ủy ban nhân dân huyện quyết định việc sử dụng theo đề nghị của Ủy ban nhân dân xã
Việc gia đình bạn sử dụng, đóng đủ các loại thuế, chăm sóc, quản lý ngôi nhà từ xưa đến nay, nếu không có gia đình bạn thì ngôi nhà chưa chắc đã được như bây giờ cũng có thể là những tình tiết để Toà án xem xét quyết định về việc các khoản hoàn trả cho gia đình bạn, nếu ông A đòi lại được mảnh đất trên. Tuy nhiên, cần xem xét rõ hơn tình tiết, chứng cứ cụ thể để có được kết luận chính xác.
- 3- Gia đình bạn có phải ở nhờ không:
Trường hợp của bạn ở đây chúng tôi cho là không thuộc trường hợp ở nhờ vì: Giữa ông A và gia đình bạn hoàn toàn không có bất kỳ quan hệ pháp luật về việc ở nhờ và cho ở nhờ. Thậm chí đối với trường hợp ông A đã từ bỏ quyền sở hữu thì gia đình bạn đang ở căn nhà đó là do sự chiếm hữu có căn cứ pháp luật.
Mong rằng bạn đã hài lòng với những tư vấn của chúng tôi. Trường hợp vẫn còn thắc mắc, hãy liên lạc lại với chúng tôi, theo các thông tin bên dưới.
Trân trọng./.
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI - DỰ ÁN BĐS | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.