Chào bạn, theo thông tin bạn cung cấp phòng tranh tụng công ty Luật Ltdkingdom xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất, về nguyện vọng của bà bạn trước khi mất không được pháp luật thừa nhận là di chúc miệng. Bởi vì Điều 657 Bộ luật dân sự có quy định về người làm chứng cho việc lập di chúc như sau:
“Điều 657. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
3- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự”.
Theo thông tin bạn cung cấp thì nguyện vọng của bà bạn được nói với tất cả các con mà theo quy định của pháp luật thì họ là người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Do đó, trường hợp di sản của bà bạn được chia theo pháp luật .
Thứ hai, về mảnh đất chỉ đứng tên ông nội bạn nhưng cần phải xác định nguồn gốc số tiền mua mảnh đất đó là bằng tài sản riêng hay tài sản chung của ông bà bạn, trong trường hợp không chứng minh được thì mảnh đất đó được xác định là tài sản chung của ông bà bạn. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 70/2010/NĐ-CP thì:“Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng ký quyền sở hữu trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên của cả vợ và chồng; nếu vợ chồng không yêu cầu cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản, thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, thì có nghĩa vụ chứng minh”. Như vậy, mặc dù sổ đỏ chỉ đứng tên ông bạn nhưng theo quy định của pháp luật thì tài sản này là tài sản chung của ông bà bạn.
Thứ ba, về việc bác B có đưa cho mọi người kí có bản tự nguyện từ bỏ quyền thừa kế với mảnh đất nói trên thì bạn cần xem lại thời điểm ký giấy tờ đó bởi vì theo Điều 645 Bộ luật dân sự 1995 thì thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế, do đó quá 6 tháng thì không còn quyền từ chối nhận di sản thừa kế.
Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp và những điều phân tích trên chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Một là, khi bà nội bạn mất phần tài sản của bà bạn sẽ được chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì bác A mắc bệnh tâm thần do đó các quyền và nghĩa vụ của bác A sẽ được thực hiện thông qua người giám hộ trong trường hợp này có thể xác định là ông bạn. Điều 69 Bộ luật dân sự 2005 có quy định:
“Điều 69. Quản lý tài sản của người được giám hộ
1. Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.
2. Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.
…”.
Như vậy, việc cho bác B phần đất của bác A là không đúng do đó có thể khởi kiện đến Tòa án để đòi lại tài sản.
Hai là, trong trường hợp đã quá thời hạn từ chối nhận di sản thì văn bản bác B đưa cho mọi người kí sẽ không có giá trị. Mặt khác cho dù trong trường hợp mọi người đồng ý cho bác B đất với điều kiện chăm sóc bác A mà bác B không thực hiện, bạn có căn cứ chứng minh thì vẫn có thể đòi lại mảnh đất đó.
Hiện giờ ông bạn hoàn toàn có thể khởi kiện đến Tòa án để ngăn chặn việc bác bạn bán mảnh đất đó.
Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề này vui lòng liên hệ số 01638 297 319 để được tư vấn.