Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Liên - Công ty Luật Tiền Phong tư vấn cho bạn như sau:
1. Quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và làm thêm giờ như sau:
Luật Lao động quy định:
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Thời gian làm việc ban đêm: từ 22h đến 6h
Điều kiện tổ chức làm thêm giờ:
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa
Chế độ nghỉ bù khi làm thêm giờ
a) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ;
b) Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ.
Đối với trường hợp nhân viên làm vào thời gian ban đêm (từ 7h30 đến 4h sáng hôm sau) thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.
Nếu như trường hợp của bạn làm theo ca thì khi làm ca đêm, bạn sẽ được khoảng thời gian nghỉchuyển ca là ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.
Theo như bạn trình bày, hiện nay bạn và những người lao động khác đang phải làm việc một ngày 12,5 tiếng, nhưng thông tin bạn cung cấp không nói rõ bạn nghỉ giữa ca trong bao lâu nên khó xác định người sử dụng lao động có vi phạm về thời gian làm thêm giờ (quá 30 phút) hay không.
Thêm nữa, bạn cũng trao đổi thông tin được hiểu hiện nay công ty bạn đang yêu cầu người lao động làm thêm giờ nhưng chưa có sự thỏa thuận với người lao động mà mang tính ép buộc. Việc này là vi phạm pháp luật lao động của người sử dụng lao động.
2. Giải quyết tranh chấp lao động
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, bạn có thể liên hệ trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp trình bày quan điểm việc quyền lợi cho mình, nếu không đạt sự thỏa thuận (doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy định của pháp luật) thì bạn có quyền khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình. Trước khi khởi kiện, bạn cần tiến hành thủ tục hòa giải thông qua hòa giải viên cơ sở theo quy định của Luật Lao động.
Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.
Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết. Tòa án cấp huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở chính sẽ có thẩm quyền giải quyết, trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì thẩm quyền tòa án thuộc cấp tỉnh.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm vui lòng kết nối tổng đài tư vấn pháp luật số 1900 6289 của chúng tôi để được các luật sư uy tín trợ giúp.
Cập nhật bởi daolienluatsu ngày 09/06/2016 09:39:16 CH