Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Về loại hình doanh nghiệp
Hai chủ thể (là tổ chức hoặc cá nhân) nước ngoài nếu đáp ứng được các quy định của pháp luật Việt Nam thì có quyền cùng với một cá nhân người Việt Nam thành lập doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Luật Doanh nghiệp hiện nay quy định nhiều loại hình doanh nghiệp cho các chủ thể lựa chọn, với số lượng người tham gia góp vốn là 3, bạn có thể lựa chọn một số loại hình sau:
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên là công ty mà thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50; Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp (Điều 47, Luật Doanh nghiệp 2014).
- Công ty cổ phần: là công ty mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt được quy định trong Luật Doanh nghiệp.
- Công ty hợp danh là doanh nghiệp mà phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung . Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Chính vì tính chất chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản nên không nhiều chủ thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp này.
Trước khi hoạt động kinh doanh, các bên phải tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan thẩm quyền (bạn có thể tham khảo bài viết hướng dẫn cụ thể tại đây).
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, bạn cùng các đối tác nước ngoài lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu hoạt động kinh doanh để tiến hành đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Theo thông tin bạn cung cấp, được hiểu công ty đã được đăng ký với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên. Tên gọi của doanh nghiệp sẽ luôn gắn với loại hình doanh nghiệp mà bạn và các đối tác lựa chọn.
2. Cách thức, hồ sơ, trình tự thủ tục chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp vốn.
Quyền tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất của cá nhân Việt Nam
Điều 167 Luật Đất đai 2014 quy định: cá nhân là người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực.
Thủ tục thực hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Bạn có thể tham khảo bài viết tư vấn của chúng tôi về cách thức thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại đây.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 hoặc 1900 2118 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn sức khỏe và thành công.
Trân trọng./.