Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Về việc bảo lãnh quan hệ vay nợ: như bạn trình bày, giữa bạn và bên cho vay không xác lập quan hệ vay nợ, việc bạn đứng ra nhận nợ giùm bạn mình được hiểu rằng bạn là bên bảo lãnh trong quan hệ vay nợ, việc bão lãnh này không được bảo đảm bằng tài sản mà bằng mối quan hệ quen biết.
Theo quy định của pháp luật dân sự về bảo lãnh: hợp đồng bảo lãnh phải được lập thành văn bản (điều 362 Bộ Luật Dân sự), trường hợp của bạn hai bên chỉ thỏa thuận miệng với nhau nên chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời, nếu như bên cho vay không có bằng chứng nào xác thực về việc bạn cam kết đứng ra nhận trả nợ thay thì nếu đưa ra cơ quan pháp luật rất khó để xác lập được căn cứ yêu cầu bạn phải thực hiện việc trả tiền.
Mặt khác, hiện nay mức lãi suất bên cho vay đưa ra là quá cao (đến 10%/ngày và 30%/tháng), bạn có thể tham khảo quy định của pháp luật hình sự hiện hành về tội cho vay lãi nặng như dưới đây:
"1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Điều 163 Bộ Luật Hình sự
Mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định:
Hiện nay pháp luật quy định về lãi suất: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng". (Điều 476 Bộ Luật Dân sự).
Hành vi cho vay lãi nặng là hành vi cho vay với lãi suất vượt quá mức quy định nêu trên. Khi tranh chấp giữa hai bên xảy ra, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Tính chất chuyên bóc lột: được hiểu là lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Nếu có căn cứ xác định hành vi cho vay lãi nặng đủ cấu thành tội, bạn có thể tư vấn cho bạn của mình làm đơn trình báo ra cơ quan công an để xử lý.
2. Đối với hành vi của bên cho vay: nếu họ gây phiền nhiễu, khó khăn cho việc kinh doanh, sinh sống của bạn, bạn có thể báo công an xã/phường nơi xảy ra sự việc để nhờ can thiệp, trường hợp bên cho vay gây ra những thiệt hại cho công việc kinh doanh của bạn, bạn có thể kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường về dân sự.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và gia đình sức khỏe.
Trân trọng./.