4 chính sách mới về Tiền tệ - Ngân hàng có hiệu lực trong tháng 7

Chủ đề   RSS   
  • #613487 29/06/2024

    btrannguyen
    Top 150
    Lớp 7

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (547)
    Số điểm: 9293
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 175 lần


    4 chính sách mới về Tiền tệ - Ngân hàng có hiệu lực trong tháng 7

    Tháng 7 tới đây sẽ có rất nhiều chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực. Riêng lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng có thể kể đến Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Nghị định 52/2024/NĐ-CP, Thông tư 02/2024/TT-NHNNThông tư 03/2024/TT-NHNN.

    4 chính sách mới về Tiền tệ - Ngân hàng có hiệu lực trong tháng 7

    1) Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024

    Ngày 18/01/2024 Quốc hội đã ban hành Luật Các tổ chức tín dụng 2024, thay thế Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định về các vấn đề như:

    - Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; 

    - Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 

    - Việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; 

    - Việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

    Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định riêng về các biện pháp can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém tại Chương IX gồm 06 Điều từ Điều 156 - 161.

    Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp sau đây:

    - Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định;

    - Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

    - Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục;

    - Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời gian 06 tháng liên tục;

    - Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước.

    Xem toàn văn Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

    2) Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.

    Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP, thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: 

    - Mở và sử dụng tài khoản thanh toán; 

    - Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 

    - Dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.

    Theo Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt từ 01/7/2024, đơn cử như:

    - Thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

    - Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

    - Tẩy xóa, thay đổi nội dung, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, làm giả Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

    - Ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

    - Gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

    - Hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

    - Chủ tài khoản thanh toán có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng cung cấp thông tin hoặc cam kết không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cho các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật về giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;…

    Xem toàn văn Nghị định 52/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

    3) Thông tư 02/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-NHNN

    Ngày 15/5/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 02/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Trong đó, các nội dung sửa đổi như sau:

    - Sửa đổi các khái niệm:

    + Khách hàng môi giới tiền tệ (sau đây gọi là khách hàng) là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.

    + Môi giới tiền tệ là việc làm trung gian có thu phí môi giới để thu xếp thực hiện hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

    - Ngoài ra, Thông tư 02/2024/TT-NHNN cũng quy định lại về phạm vi môi giới tiền tệ và phương thức môi giới tiền tệ:

    + Về phạm vi: Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung ứng dịch vụ môi giới tiền tệ cho khách hàng để thực hiện các hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

    + Về phương thức: Bên môi giới có thể thực hiện hoạt động môi giới tiền tệ với khách hàng thông qua giao dịch trực tiếp hoặc thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

    - Đồng thời, bãi bỏ các quy định:

    + Bãi bỏ khái niệm tổ chức tài chính khác là tổ chức tài chính được xác định theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền.

    + Bãi bỏ một trong các nguyên tắc môi giới tiền tệ: Có ít nhất một bên khách hàng được môi giới tiền tệ là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.

    Xem toàn văn Thông tư 02/2024/TT-NHNN chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024

    4) Thông tư 03/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN

    Ngày 16/5/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 03/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

    Trong đó, Thông tư 03/2024/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung các điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường so với quy định hiện hành như sau:

    - Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 19/2013/TT-NHNN về điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt.

    - Được Công ty Quản lý tài sản đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ.

    - Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.

    - Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại Ngân hàng Nhà nước.

    Xem toàn văn Thông tư 03/2024/TT-NHNN chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

    Như vậy, kể từ ngày 1/7/2024 sẽ có nhiều chính sách mới trong lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng sẽ có hiệu lực. Người đọc có thể tham khảo để cập nhật thêm cho mình những kiến thức mới về pháp luật.

     
    104 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (01/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận