2 lý do Bộ Tài chính chưa nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

Chủ đề   RSS   
  • #615684 27/08/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 557 lần
    SMod

    2 lý do Bộ Tài chính chưa nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

    Ngày 20/8/2024, Bộ Tài chính có Công văn 8760/BTC-CST. Trong đó, Bộ đã nêu 2 lý do chưa nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

    Công văn 8760/BTC-CST ngày 20/8/2024 của Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh: Bình Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang và Tây Ninh tại công văn 499/BDN ngày 14/6/2024.

    2 lý do Bộ Tài chính chưa nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

    Theo đó, tại Công văn 8760/BTC-CST ngày 20/8/2024, Bộ Tài chính đã nêu:

    (1) Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế tại Việt Nam cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần

    Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thì thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người. 

    Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần); đồng thời cùng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

    Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

    (2) CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất

    Tại khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

    Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì chỉ số CPI năm 2020 tăng 3,23%, CPI năm 2021 tăng 1,84%, CP1 năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020), do đó, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

    Như vậy, Bộ Tài chính đã nêu 2 lý do chưa nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là mức giảm trừ cho người nộp thuế của Việt Nam hiện nay cao hơn mức phổ biến mà các nước đang áp dụng và CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất nên theo quy định là chưa thể điều chỉnh được.

    Quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay

    Theo khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 thì 

    - Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

    - Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

    Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh 2024 đối với người nộp thuế là 11 triệu/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu/tháng.

    Đối tượng, điều kiện để được là người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh?

    Theo điểm d khoản 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về người phụ thuộc như sau:

    (1) Đối tượng

    Đối tượng 1: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể gồm:

    - Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).

    Ví dụ 10: Con ông H sinh ngày 25 tháng 7 năm 2014 thì được tính là người phụ thuộc từ tháng 7 năm 2014.

    - Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

    - Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

    Đối tượng 2: Vợ, chồng

    Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng điều kiện theo quy định.

    Đối tượng 3: Cha mẹ

    Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện theo quy định.

    Đối tượng 4: Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện theo quy định bao gồm:

    - Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.

    - Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

    - Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

    - Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

    (2) Điều kiện 

    Đối với các đối tượng 2, 3, 4, để được tính là người phụ thuộc thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

    - Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

    + Bị khuyết tật, không có khả năng lao động (những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,...)).

    + Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

    - Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

    Như vậy, nếu thuộc các đối tượng và đáp ứng điều kiện cụ thể theo quy định trên thì mới được tính là người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh.

     
    222 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    ntdieu (27/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận