Chào chị, xin trả lời câu hỏi của Chị như sau:
Theo khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình năm 2014:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Thông tin chị đưa ra, có thể được hiểu là hai người đã ly thân khá lâu (10 năm không có liên lạc), pháp luật không quy định ly thân bao lâu thì được đơn phương ly hôn, tuy nhiên ly thân cũng có thể coi là cơ sở để chứng minh cho việc đời sống vợ chồng đang có nhiều mâu thuẫn, không thể hàn gắn hay tiếp tục sống chung.
Như vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 56 LHNGĐ, Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn trong trường hợp có căn cứ về việc cuộc hôn nhân của hai vợ chồng lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được
Để được Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương, người yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ như sau:
- Đơn xin ly hôn đơn phương được ban hành theo mẫu;
- Đăng ký kết hôn (bản chính); nếu không có thì có thể xin cấp bản sao…
- Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân… của vợ và chồng; sổ hộ khẩu của gia đình;
- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con nếu có con chung;
- Nếu có tài sản chung và yêu cầu phân chia tài sản chung khi ly hôn thì chuẩn bị giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung này…
Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đơn khởi kiện ly hôn đơn phương phải có các nội dung chính sau:
- Ngày tháng năm làm đơn;
- Tên Tòa án nhận đơn;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện. Trong trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ cư trú, làm việc cuối cùng của người bị kiện…
Do người yêu cầu ly hôn đơn phương phải gửi đơn đến Tòa án nơi người còn lại cư trú, làm việc nên không cùng hộ khẩu không ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết ly hôn của Tòa án, nên hộ khẩu của người bị đơn phương ly hôn không cần phải có sổ hộ khẩu mà chỉ cần khai báo đầy đủ địa chỉ cuối cùng người này cư trú, làm việc.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 40 BLTTDS, nếu không biết nơi cư trú của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
Hiện nay, chưa có quy định thế nào là nơi cư trú cuối cùng. Tuy nhiên, trong trường hợp của chị, nơi cư trú cuối cùng được hiểu là nơi cuối cùng mà nguyên đơn, người yêu cầu biết được người đã biệt tích thường xuyên sinh sống hoặc sinh sống tại đó trước khi biệt tích.
Như vậy, khi không cùng hộ khẩu, một trong hai người vẫn có thể yêu cầu ly hôn đơn phương.