10 đầu việc của một Đại biểu Quốc Hội

Chủ đề   RSS   
  • #415592 15/02/2016

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    10 đầu việc của một Đại biểu Quốc Hội

    Đối với các đại biểu Quốc hội lần đầu góp mặt tại nghị trường, việc tìm hiểu các hoạt động của một đại biểu Quốc hội là tối quan trọng. Bất luận bạn là đại biểu do Đảng cử hay do tự ứng cử, kể từ tháng 7 này, cuộc đời bạn sẽ sang một trang hoàn toàn khác: bạn trở thành 1 trong 500 người quyết định những vấn đề hệ trọng nhất của quốc gia.

    Sau đây là danh sách những việc cần bạn làm với tư cách là một đại diện của dân.

    Trước hết, danh sách công việc này sẽ phải dựa trên ba chức năng của Quốc hội. Là một thành viên của Quốc hội, công việc của bạn là thực hiện ba chức năng đó, bao gồm:

    1/ Làm và sửa đổi Hiến pháp, làm và sửa đổi luật.

    2/ Quyết định các vấn đề quan trọng.

    3/ Thực hiện quyền giám sát tối cao.

    Nghe vậy có vẻ hơi chung chung. Vậy cụ thể thực hiện những chức năng này là làm gì? Hiến pháp nói rõ chuyện đó.

    đầu việc của đại biểu quốc hội

    1. Quyết định chiếc ghế của những người quyền lực nhất (ngoại trừ người quyền lực nhất)

    Bạn đã từng bầu lớp trưởng, tổ trưởng dân phố, bí thư đoàn thanh niên, bí thư các đảng bộ, cán bộ chính quyền địa phương và rất nhiều các chức danh khác. Nhưng ở đây chúng ta đang nói đến một chuyện to tát hơn nhiều: chiếc ghế của các ông bà Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc Hội. Đó là chưa kể một loạt những chiếc ghế khác ít quyền lực hơn ở cấp trung ương như Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các bộ trưởng, các chủ nhiệm ủy ban của Quốc Hội,…

    Không những thế, là đại biểu Quốc hội, bạn có quyền yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu phế truất các ông bà này. Nghe có vẻ lạ tai nhưng chuyện này đã từng xảy ra hồi tháng 11/2010. Khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến vụ Vinashin nhưng không thành.

    2. Làm luật

    Quốc hội chắc chắn không phải là nơi viết nội quy cho một nhóm vài chục hay vài trăm người. Luật bạn viết ra hay thông qua được áp dụng cho toàn dân. Quốc hội khóa 14 sẽ là một nơi khắc nghiệt với các nhà lập pháp, bởi khối lượng công việc và thách thức khổng lồ.

    Bạn cần phải sẵn sàng cho việc bỏ phiếu thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Rồi nếu TPP chính thức có hiệu lực, trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của bạn, một trong những nghị trình chính sẽ là nội địa hóa toàn bộ quy định của TPP. Hãy chắc là bạn nắm rõ nội dung của Hiệp định này.

    Quốc hội khóa cũ cũng để lại cho bạn và 499 đồng nghiệp khác một món nợ khổng lồ các đạo luật cần được thông qua, trong đó có nhiều món khá là “khoai”. Ví dụ: luật biểu tình, luật về hội, luật tín ngưỡng – tôn giáo, luật về máu và tế bào gốc, luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, luật quản lý ngoại thương,…

    Đó là chưa kể sẽ có nhiều đạo luật mới phát sinh, mà một trong số đang ở trong tầm ngắm là luật về đảng.

    Bạn cũng nên dự liệu sẵn khả năng Quốc hội khóa 14 sẽ phải sửa đổi hoặc ban hành một bản Hiến pháp mới. Vào thời kỳ nhiều biến động này, không gì là không thể.

    Vốn dĩ lâu nay đại biểu Quốc hội Việt Nam cực kỳ thụ động trong việc làm luật, hầu như chỉ chờ chính phủ trình sang dự luật gì thì xem xét cái đó. Đã đến lúc mọi chuyện cần phải thay đổi. Bạn hãy trở thành người chủ động đưa ra các sáng kiến lập pháp và các dự thảo luật mới. Rất nhiều vấn đề nhức nhối như lạm dụng đồ uống có cồn, thực phẩm độc hại, bệnh viện quá tải hay khủng hoảng chất lượng giáo dục đang chờ bạn giải quyết.

    Có như vậy người ta mới gọi bạn là “nhà lập pháp” theo nghĩa đầy đủ của từ này được.

    Công cụ không thể thiếu trong công việc của bạn là Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

    3. Quyết định ngân sách nhà nước

    Bạn có biết dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 là bao nhiêu không? Hơn 1 triệu tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ USD. Để so sánh, bạn cần biết người giàu nhất Việt Nam, Phạm Nhật Vượng, cũng chỉ có trên dưới 1 tỷ USD.

    Vào phiên họp cuối mỗi năm, thường rơi vào tháng 11, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ phải bấm nút quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm sau. Bạn phải làm quen với các khái niệm chính sách tài khóa, thu nội địa, thu từ dầu thô, thu từ viện trợ, thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu, chi thường xuyên, chi đầu tư – phát triển, chi phát triển sự nghiệp, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, bội chi, thâm hụt ngân sách, và rất nhiều khái niệm tài chính công khác.

    Dĩ nhiên, sau mỗi năm tài khóa, cũng chính bạn sẽ là người bấm nút thông qua báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của năm đó. Việc này thường diễn ra sau hơn một năm kể từ khi kết thúc năm tài khóa.

    Bấm vào đây để xem Luật Ngân sách Nhà nước 2002 (hiện hành). Vào đây để xem luật mới năm 2015, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017.

    4. Quyết định trần nợ công

    Vào đầu mỗi khóa Quốc hội, một trong những “bài tập” khó nhằn cho mỗi đại biểu Quốc hội là quyết định chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội cho cả 5 năm sau đó bằng việc thông qua một nghị quyết. Bấm vào đây để xem một ví dụ.

    Một trong những con số quan trọng nhất của bản nghị quyết đó là tỉ lệ nợ công.

    Năm 2011, Quốc hội khóa 13 đặt ra con số 65% GDP. Nhiều thống kê cho thấy tổng nợ công của Việt Nam đã sắp chạm cái trần này. Đặc biệt trong bối cảnh phải cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu do quy định của các hiệp định thương mại tự do (FTA), một chính phủ đã quen chi tiêu quá tay cho một bộ máy quá cồng kềnh sẽ muốn vay thêm tiền để trang trải cho các hoạt động của mình.

    Do đó, chính phủ có thể sẽ gây sức ép buộc Quốc hội phải nới trần nợ công, nghĩa là cho phép họ vay thêm tiền. Liệu bạn có thỏa hiệp với một chính phủ chi tiêu quá dễ dãi như vậy hay không? Vào thời điểm quyết định, phiếu biểu quyết của bạn sẽ hoặc là đẩy chính phủ vào thế phải cắt giảm chi tiêu, hoặc là đẩy đất nước chìm sâu vào nợ nần và có thể sau cùng sẽ vỡ nợ. Muốn biết vỡ nợ công là gì, xin mời bấm vào đây.

    Tất nhiên rồi, bạn buộc phải nắm rõ Luật Quản lý Nợ công.

    5. Quyết định về thuế

    Thuế là thứ tạo ra mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Không có thuế thì không có nhà nước. Có thuế thì người dân và doanh nghiệp sẽ thấy túi tiền của họ vơi đi một chút. Tìm được điểm cân bằng hợp lý để định ra một loại thuế, một mức thuế là việc không đơn giản. Làm sai có thể dẫn đến rối loạn xã hội. Và bạn là người phải làm cái việc đó.

    Như đã nói ở trên, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, sẽ tháo dỡ rất nhiều các dòng thuế nhập khẩu. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Trong khóa 14 của bạn, Chính phủ và một số nhóm lợi ích nào đó sẽ tìm cách nghĩ ra các loại thuế và phí mới để bù đắp nguồn thu và gây sức ép để Quốc hội thông qua. Bạn sẽ đứng ở giữa chính phủ và người dân trong vấn đề nhạy cảm nhất này của quốc gia. Đây rõ là chuyện không dễ dàng.

    đầu việc của đại biểu quốc hội

    6. Phê chuẩn các hiệp ước quốc tế

    Bạn đã từng nghe nói với Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, Công ước Chống Tra tấn, Hiệp định thương mại tự do Việt – Mỹ, các hiệp định WTO, và sắp tới là TPP.

    Bạn cũng từng nghe nói đến việc các Bộ trưởng Thương mại đã ký kết Hiệp định TPP ngày 4/2 vừa qua. Vậy tại sao TPP vẫn chưa có hiệu lực?

    Lý do là vì TPP, cũng như nhiều (chứ không phải tất cả) các hiệp ước quốc tế khác, phải đi qua một cửa nữa, trước khi có hiệu lực: được Quốc hội các nước liên quan phê chuẩn. Hãy chắc chắn là bạn nắm được Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước Quốc tế.

    7. Quyết định phê duyệt các dự án lớn

    Dự án lớn được gọi chính thức là “dự án quan trọng quốc gia”, bao gồm các dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên, dự án nhà máy điện hạt nhân, các dự án di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi hoặc 50.000 người trở lên ở các vùng khác,…

    Các dự án này phải qua được cửa Quốc hội mới được làm. Quốc hội đã từng quyết các dự án đường dây 500 kv, dự án đường Hồ Chí Minh hay dự án nhà máy thủy điện Sơn La.

    Trên bàn làm việc của bạn trong khóa 14 có thể sẽ có dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Việc thẩm tra những dự án như thế này hoàn toàn không đơn giản và sẽ gây rất nhiều tranh cãi. Ít nhất bạn phải nắm rõ Luật Đầu tư công.

    8. Quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh

    Năm 2008, Quốc hội khóa 12 đã gây sốc khi sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây và một số vùng của tỉnh Hòa Bình và tỉnh Vĩnh Phúc vào Hà Nội, biến Hà Nội thành một trong những thủ đô nhiều ruộng đồng nhất thế giới.

    Cho đến giờ, vẫn chưa có giải thích thấu đáo và rõ ràng nào về lý do dẫn đến quyết định này, cũng như tác động của nó đến cuộc sống của người dân các vùng liên quan.

    Điều tương tự có thể lặp lại và bạn sẽ là người góp phần quyết định chuyện đó.

    9. Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia

    Khó mà đoán được Trung Quốc sẽ làm những gì trên Biển Đông và đất liền. Và liệu biên giới với Cambodia có yên ổn trong 5 năm tới hay không? Không ai biết. Nhưng khi có sự biến xảy ra, với tư cách là đại biểu Quốc hội, bạn có trọng trách đặc biệt trong việc quyết định cách giải quyết vấn đề.

    10. Giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước

    Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước. Chắc bạn đã từng thấy các đại biểu Quốc Hội chất vấn các quan chức cấp cao như Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và nhiều quan chức khác. Đó chính là một trong những hoạt động giám sát.

    Xem xét và thảo luận các báo cáo công tác của các quan chức cấp cao cũng là giám sát. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội có thể tham gia các đoàn giám sát chuyên đề về một vấn đề cụ thể nào đó, ví dụ vấn đề xét xử oan sai hay  chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

    Bạn có thể xem một kế hoạch giám sát cụ thể của năm 2016 ở đây.

    Nguồn: Tạp chí Luật Khoa

     
    4062 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn trang_u vì bài viết hữu ích
    Anlhk33-DLU (16/02/2016) ntdieu (15/02/2016)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận