Ta có thể hiểu, góp vốn là giao dịch nhằm làm chấm dứt quyền sở hữu, sử dụng tài sản của bên góp vốn, làm phát sinh quyền sở hữu, sử dụng tài sản của doanh nghiệp và tạo lập ra doanh nghiệp thuộc sở hữu của bên góp vốn. Góp vốn là một trong những loại hợp đồng, giao dịch tương đối phổ biến. Để việc góp vốn được thuận lợi, cần chú ý một số vấn đề sau:
1. Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở và hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
2. Cần phân biệt rõ giữa hợp đồng góp vốn với các loại hợp đồng khác, đặc biệt là hợp đồng vay vốn, hợp đồng thuê khoán… Tính chất đặc trưng của hợp đồng góp vốn là quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng góp vốn phải thể hiện được việc phân chia theo tỷ lệ vốn góp của mỗi bên, lời cùng chia và lỗ cùng chịu.
3. Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
4. Việc góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu chung. Các chủ sở hữu nhà ở chung cùng ký vào hợp đồng góp vốn bằng nhà ở hoặc có thỏa thuận bằng văn bản cử người đại diện ký hợp đồng góp vốn bằng nhà ở.
5. Trường hợp nhà, đất đang cho thuê thì chủ sở hữu nhà ở phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết trước về việc góp vốn bằng nhà ở. Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà ở đến hết hạn hợp đồng thuê nhà đã ký với bên góp vốn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
6. Phân biệt giữa hợp đồng góp vốn và hợp đồng hợp tác kinh doanh:
Theo quy định của pháp luật thì góp vốn hay hợp tác kinh doanh đều là đầu tư nhưng khác nhau ở điểm:
- Góp vốn thành lập doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, sẽ có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trách nhiệm dân sự của người góp vốn tương ứng với phần vốn góp, tức trách nhiệm hữu hạn.
- Hợp tác kinh doanh thì không thành lập doanh nghiệp và không có tư cách pháp nhân. Do không có tư cách pháp nhân, cho nên các bên sẽ cử một người làm đại diện để tham gia các quan hệ pháp luật. Trong trường hợp không cử được người đại diện thì tất cả các thành viên hợp tác cùng tham gia. Trách nhiệm dân sự của những người tham gia hợp tác là trách nhiệm chung bằng toàn bộ tài sản của hợp tác. Nếu tài sản không đủ thực hiện nghĩa vụ thì mỗi thành viên phải chịu trách nhiệm phần tương ứng với phần đóng góp của mình vào hợp tác.
Luật Đầu tư 2014 quy định: Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.