Bài viết này sẽ điểm qua 06 nhân vật xuất sắc giữ cả hai trọng trách Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
(1) Tổng tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có vai trò gì?
Theo Điều 9 Thông tư 99/2019/TT-BQP quy định, Bộ Tổng tham mưu là Cơ quan thường trực của Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương. Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương. Và người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu là Tổng tham mưu trưởng.
Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập ngày 27/8/1945, đây là cơ quan thuộc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đứng đầu.
Bộ Quốc phòng có chức năng quản lý nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; đồng thời là cơ quan trung ương chỉ đạo, chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ cùng Nhân dân đấu tranh trong thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại và xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Người giữ chức Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đều có cấp bậc quân hàm cao nhất là Đại tướng.
(2) 06 người từng giữ cả 02 chức Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Trong lịch sử quân sự và chính trị của Việt Nam, có những nhân vật nổi bật không chỉ đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mà còn để lại dấu ấn sâu đậm qua việc đảm nhiệm cả 02 chức vụ quan trọng: Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Những người này không chỉ là những nhà lãnh đạo tài ba mà còn là biểu tượng cho sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến lược quân sự và quản lý quốc phòng.
Tính đến nay, Việt Nam đã có đến 06 người từng giữ cả 02 chức vụ này gồm có
1- Đại tướng Văn Tiến Dũng, sinh năm 1917, mất năm 2002, quê huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tổng Tham mưu trưởng thứ hai và cũng là người giữ chức vụ này lâu nhất khi tại vị từ năm 1953 đến năm 1978
Sau đó, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1980 đến năm 1986
2- Đại tướng Lê Đức Anh, sinh năm 1920 và mất năm 2019, quê huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế
Giống với Đại tướng Văn Tiến Dũng, trước khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991 thì Đại tướng Lê Đức Anh cũng là Tổng Tham mưu trưởng từ năm 1986 đến năm 1987.
3- Đại tướng Đoàn Khuê, sinh năm 1923, mất năm 1999, quê huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
Có một sự trùng hợp thú vị giữa Đại tướng Đoàn Khuê và Đại tướng Lê Đức Anh là trong thời gian Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1987 - 1991) thì Đại tướng Đoàn Khuê chính là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau đó, Đại tướng Đoàn Khuê cũng chính là người kế nhiệm Đại tướng Lê Đức Anh khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1991 đến năm 1997.
4- Đại tướng Phạm Văn Trà, sinh năm 1935, quê huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh
Ông là Tổng Tham mưu trưởng thứ 7 của Quân đội nhân dân Việt Nam khi giữ chức vụ này từ năm 1995 đến năm 1997.
Sau đó, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1997 đến năm 2006.
5- Đại tướng Phùng Quang Thanh, sinh năm 1949 và mất năm 2021, quê huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội
Giống với các tiền bối ở trên, trước khi có thời gian 10 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 2006 đến năm 2016 thì Đại tướng Phùng Quang Thanh là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt nam từ năm 2001 đến năm 2006.
6- Đại tướng Phan Văn Giang, sinh năm 1960, quê huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định
Đây là vị Đại tướng đang đương nhiệm chức Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng của nước ta hiện nay.
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ 2021 đến 2026 thì Đại tướng Phan Văn Giang là Tổng Tham mưu trưởng thứ 13 của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiệm kỳ từ năm 2016 đến năm 2021.
Như vậy, tính đến nay thì Việt Nam đã có tổng cộng 06 người từng giữ cả 02 chức vụ là Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Và cả 06 vị Đại tướng đều có điểm chung là có thời gian giữ chức Tổng Tham mưu trưởng trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.