Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về quy trình các bước để trở thành một Luật sư tại Việt Nam và các quyền cũng như nghĩa vụ của một Luật sư. Cụ thể như sau.
(1) 06 bước để trở thành Luật sư tại Việt Nam hiện nay
Trước tiên, để có thể trở thành Luật sư thì cần đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 10 Luật Luật sư 2006 như sau:
“Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”
Theo đó, sau khi đã thỏa mãn những điều kiện như đã nêu trên thì người có nguyện vọng trở thành Luật sư sẽ thực hiện theo 06 bước như sau:
Bước 01: Học các trường đại học về Luật, khoa Luật để được cấp bằng Cử nhân Luật.
Theo đó, cá nhân phải hoàn thành chương trình đào tạo ngành luật tại các các trường Luật như: Trường Đại học Luật TP. HCM, Trường Đại học Luật Hà Nội hoặc khoa Luật của các trường đại học khác trên cả nước để được cấp bằng Cử nhân Luật.
Thời gian đào tạo sẽ mất khoảng từ 3,5 đến 4 năm tùy vào chương trình đào tạo và khả năng của mỗi người.
Bước 02: Học lớp đào tạo nghiệp vụ Luật sư tại Học viện Tư pháp
Sau khi có bằng Cử nhân Luật, các nhân cần tiếp tục đăng ký học khóa đào tạo nghề Luật sư do Học viện Tư pháp đào tạo trong thời gian là 12 tháng.
Ngoại trừ những trường hợp được miễn đào tạo nghiệp vụ Luật sư theo quy định tại Điều 13 Luật Luật sư 2006 như sau:
- Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.
- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ Luật.
Theo đó, khi hoàn thành chương trình này thì cá nhân sẽ được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư.
Bước 03: Đăng ký tập sự hành nghề Luật sư tại tổ chức hành nghề Luật sư
Khi đã có Giấy chứng nhận ở Bước 2, cá nhân cần tiếp tục đăng ký tham gia tập sự tại các tổ chức hành nghề Luật sư như: Văn phòng luật, Công ty luật trong thời gian 12 tháng.
Lưu ý: Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.
Tuy nhiên cũng có những đối tượng miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư xuống còn 4 tháng hoặc 6 tháng theo quy định tại Điều 16 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Luật Luật sư 2012.
Bước 4: Tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư
Theo đó, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình tập sự thì cá nhân sẽ tiến hành tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Tại đây, cá nhân sẽ thi 02 phần là thi viết và thi thực hành. Nội dung sẽ bao gồm:
- Kỹ năng tham gia tố tụng.
- Kỹ năng tư vấn pháp luật.
- Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác.
- Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
- Kỹ năng khác.
Để đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư thì mỗi phần thi phải đạt từ 50 điểm trở lên.
Bước 5: Gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư
Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư lập danh sách để nộp cho Bộ Tư pháp.
Tại đây, nếu hồ sơ hợp lệ và đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn luật sư thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ ra quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Bước 6: Gia nhập Đoàn luật sư và được cấp Thẻ Luật sư
Người có Chứng chỉ hành nghề Luật sư có quyền lựa chọn gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư.
Lưu ý: Nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày được cấp chứng chỉ nêu trên mà cá nhân không gia nhập một Đoàn luật sư nào thì sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Theo đó, hiện nay, để trở thành Luật sư tại Việt Nam thì cá nhân cần thực hiện theo trình tự 06 bước như đã nêu trên.
(2) Luật sư có những quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ Điều 21 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Luật Luật sư sửa đổi 2012 và có cụm từ này bị thay thế bởi khoản 37 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định quyền và nghĩa vụ của luật sư như sau:
Về quyền:
- Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan;
- Đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật;
- Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư 2006;
- Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam;
- Hành nghề luật sư ở nước ngoài;
- Các quyền khác theo quy định của Luật Luật sư 2006.
Về nghĩa vụ:
- Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư;
- Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề;
- Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;
- Thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Luật sư 2006.
Theo đó, hiện nay, Luật sư có những quyền và nghĩa vụ như đã nêu trên.