Bộ Tư Pháp ban hành dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) với nhiều điểm mới thay thế các quy định trong Luật Công chứng 2014, trong đó có quy định về Văn phòng công chứng
>> Xem thêm bài viết:
• Đề xuất công chứng viên phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không còn là công chứng viên
(1) Quy định Văn phòng công chứng hiện nay như thế nào?
Hiện nay, Luật Công chứng hiện hành là Luật Công chứng 2014 vẫn còn hiệu lực. Theo Điều 22 Luật Công chứng 2014, Văn phòng công chứng được được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh, cụ thể:
- Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn
- Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
- Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Văn phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định.
Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.
- Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định cho phép thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Như vậy, Văn phòng công chứng được thành lập bởi ít nhất 02 Công chứng viên hợp danh, không được phép có thành viên góp vốn theo quy định của Luật Công chứng 2014.
Cùng với đó, tên gọi của Văn phòng công chứng phải được đặt theo quy cách “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng công chứng hoặc thành viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác.
Về nguồn thu, Văn phòng Công chứng được thu phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.
Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu không có hình quốc huy.
(2) 05 diểm mới về Văn phòng công chứng trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Trong Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, quy định thành lập Văn phòng công chứng được quy định chặt chẽ, làm rõ từ ngữ hơn. Cụ thể, Điều 21 Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi quy định về Văn phòng công chứng như sau:
Xem Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi 11/12/2023 tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/22/Khongso_524982.doc
Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
1. Chốt phương án thành lập Văn phòng công chứng
Theo khoản 1 Điều 21 Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn.
Như vậy, so với Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi trước đó, bản Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi cập nhật ngày 11/12/2023 đã chốt phương án 1, giữ nguyên quy định Văn phòng công chứng tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp hợp danh được thành lập bởi 02 công chứng viên trở lên và không có thành viên góp vốn, không chọn phương án một công chứng viên được mở Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
2. Bổ sung thêm trường hợp Trưởng Văn phòng công chứng bị tạm đình chỉ hành nghề
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.
Trường hợp Trưởng Văn phòng công chứng bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng, bị tước quyền sử dụng Thẻ công chứng viên thì các công chứng viên hợp danh cử một công chứng viên hợp danh khác làm người đại diện theo pháp luật tạm thời của Văn phòng công chứng cho đến khi Trưởng Văn phòng công chứng trở lại làm việc hoặc cử được Trưởng Văn phòng công chứng khác.
Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi giữ nguyên quy định cũ về người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng. Bên cạnh đó quy định thêm về trường hợp Trưởng Văn phòng công chứng không đủ điều kiện hành nghề tạm thời thì các công chứng viên hợp danh khác sẽ cử một công chứng viên hợp danh khác làm người đại diện theo pháp luật tạm thời.
Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo hoạt động của Văn phòng công chứng vẫn diễn ra bình thường, là căn cứ cho các công chứng viên thực hiện trong trường hợp Trưởng Văn phòng bị phạt tạm đình chỉ hành nghề, bị tước thẻ hành nghề.
3. Bổ sung thêm các quy định khi đặt tên cho Văn phòng công chứng
Tên gọi của Văn phòng công chứng bao gồm cụm từ "Văn phòng công chứng" và tên riêng bằng tiếng Việt do các công chứng viên thoả thuận lựa chọn; không được đặt tên bằng các chữ cái đơn lẻ không có nghĩa; không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của Văn phòng công chứng; không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động khác trong phạm vi toàn quốc, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. (khoản 3 Điều 21 Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi)
Tên gọi của Văn phòng công chứng trong Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đã được quy định chặt chẽ hơn, trong dự luật đã liệt kê ra tất cả trường hợp không được đặt cho tên Văn phòng công chứng của mình, quy định rõ ràng hơn phạm vi không được đặt trùng tên với các Văn phòng công chứng khác (trong phạm vi toàn quốc).
4. Thay đổi cụm từ mới trong quy định về nguồn thu của Văn phòng công chứng
Văn phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định.
Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ giá dịch vụ công chứng, giá dịch vụ liên quan đến việc công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác của Văn phòng công chứng theo quy định pháp luật (khoản 4 Điều 21 Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi)
Về nguồn thu của Văn phòng công chứng, Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi hợp nhất quy định ở Luật Giá 2023, bỏ cụm từ “...nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.” của Luật Công chứng 2014, thay thế bằng “...nguồn thu từ giá dịch vụ công chứng, giá dịch vụ liên quan đến việc công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác của Văn phòng công chứng theo quy định pháp luật.”.
Tuy chỉ thực hiện thay đổi một số từ ngữ, nhưng ở Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đã chỉ rõ các nguồn thu được phép của Văn phòng công chứng so với quy định cũ trước đây. Theo đó, nguồn thu của Văn phòng công chứng được dựa trên bảng giá dịch vụ, nghĩa là phải thu theo giá đã niêm yết cho dịch vụ đó tại văn phòng, không được thu khác với giá đã niêm yết. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi bổ sung để làm rõ nghĩa hơn cụm từ "nguồn thu hợp pháp khác của Văn phòng công chứng" so với quy định “các nguồn thu hợp pháp khác” của quy định trong Luật Công chứng 2014, quy định rõ các nguồn thu hợp pháp khác đó phải chỉ là của Văn phòng công chứng, không còn chung chung như quy định trước đây.
5. Bổ sung thêm cụm từ mới để làm rõ nghĩa quy định về con dấu của Văn phòng công chứng
Văn phòng công chứng được sử dụng 01 con dấu; con dấu của Văn phòng công chứng không có hình quốc huy. Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi được cấp giấy đăng ký hoạt động. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Về con dấu, Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi bổ sung thêm từ ngữ, quy định mỗi Văn phòng công chứng được sử dụng 01 con dấu; con dấu của Văn phòng công chứng không có hình quốc huy, quy định như vậy làm chặt chẽ và rõ nghĩa từ ngữ hơn về quy định con dấu của Văn phòng công chứng so với Luật Công chứng hiện hành.
Như vậy, so với Luật Công chứng 2014, Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đã siết chặt hơn các quy định về vốn thành lập Văn phòng công chứng loại hình doanh nghiệp hợp danh, mở thêm một hướng mới trong việc thành lập Văn phòng công chứng cho Công chứng viên, làm rõ từ ngữ ở một số điều, khoản liên quan đến nguồn thu, tên văn phòng và con dấu của văn phòng.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) tới đây.
Xem Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi 11/12/2023 tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/22/Khongso_524982.doc
Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
>> Xem thêm bài viết:
• Đề xuất công chứng viên phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không còn là công chứng viên