>>>Thủ tục tạm giữ xe đạp vi phạm giao thông như thế nào để đúng trình tự?
Tạm giữ phương tiện giao thông là một trong những biện pháp được cơ quan chức năng áp dụng để thực hiện trách nhiệm và nhiệm vụ của họ. Để có thể áp dụng biện pháp này trong quá trình thực thi công vụ, pháp luật đã đưa ra quy định về các trường hợp mà cá nhân, cơ quan có thẩm quyền được tạm giữ phương tiện tại Khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đó là:
-TH1: Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.
-TH2: Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
-TH3: Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, trừ trường hợp phương tiện giao thông vi phạm hành chính được giao lại cho người vi phạm khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
-TH4: Nếu có cơ sở cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì phương tiện sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra xác minh vụ việc.
Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có Quyết định tạm giữ bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm một bản.
Việc tạm giữ phương tiện phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành. Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại phương tiện bị tạm giữ.
Thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông
Khoản 3 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:
Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Theo đó, tùy thuộc vào giá trị của phương tiện và tính chất vụ việc mà thẩm quyền tạm giữ phương tiện sẽ được trao cho từng đối tượng khác nhau thực hiện:
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã được tạm giữ phương tiện có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện được tạm giữ phương tiện có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
- Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ được tạm giữ phương tiện có giá trị không vượt quá 25.000.000 đồng;
- Giám đốc Công an cấp tỉnh được tạm giữ phương tiện có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng.
Lưu ý: Đối với các trường hợp khẩn cấp như xảy ra tai nạn giao thông hoặc trường hợp có cơ sở cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì phương tiện sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra xác minh vụ việc, thì việc tạm giữ phương tiện sẽ do cơ quan đang tiến hành giải quyết sự việc ban đầu trước, sau đó mới xem xét và chuyển lại cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (theo khoản 4 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Cập nhật bởi lanbkd ngày 27/11/2019 05:59:48 CH