03 trường hợp đương sự không phải chứng minh trong tố tụng hành chính

Chủ đề   RSS   
  • #612382 05/06/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 513 lần


    03 trường hợp đương sự không phải chứng minh trong tố tụng hành chính

    Việc xác định nghĩa vụ chứng minh đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án hành chính. Tuy nhiên, có 3 trường hợp đương sự không phải thực hiện nghĩa vụ này

    (1) Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính

    Theo Điều 78 Luật Tố tụng hành chính 2015 được bổ sung bởi khoản 7 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính được quy định như sau:

    - Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do.

    - Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước hoặc có hành vi hành chính.

    - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    Theo quy định trên, người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính.

    Các chứng cứ, chứng minh bao gồm các loại giấy tờ như quyết định kỷ luật, quyết định xử lý hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại,...trường hợp người khởi kiện không cung cấp được chứng cứ, chứng minh thì phải nêu rõ lý do.

    (2) Được phép lấy chứng cứ từ những nguồn nào?

    Chứng cứ được thu thập từ 10 nguồn sau đây:

    1- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

    2- Vật chứng.

    3- Lời khai của đương sự.

    4- Lời khai của người làm chứng.

    5- Kết luận giám định.

    6- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

    7- Kết quả định giá, thẩm định giá tài sản.

    8- Văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

    9- Văn bản công chứng, chứng thực.

    10- Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

    (căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật Tố tụng hành chính 2015)

    (3) 03 trường hợp đương sự không phải chứng minh trong tố tụng hành chính

    Căn cứ theo quy định tại Điều 79 Luật Tố tụng hành chính 2015, đương sự không có nghĩa vụ phải chứng minh 03 tình tiết, sự kiện sau đây:

    1. Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận: Đây là những thông tin phổ biến, hiển nhiên, được đại đa số mọi người biết đến và không cần phải chứng minh thêm. Ví dụ: thủ đô của Việt Nam là Hà Nội, ngày 1 tháng 1 là Tết Dương lịch.

    2. Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật: Những nội dung đã được Tòa án khẳng định trong các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật không cần phải chứng minh lại.

    3. Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp: Các thông tin được ghi trong văn bản đã được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật có giá trị chứng minh cao và đương sự không cần phải cung cấp thêm bằng chứng khác.

    Ngoài ra, trường hợp một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đưa ra tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản đó không phải chứng minh.

    Bên cạnh đó, đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận hoặc không phản đối của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện.

    Như vậy, khi gặp trường hợp có 03 tình tiết, sự kiện nêu trên hoặc khi một bên đương sự và người đại diện của đương sự đó thừa nhận hoặc không phản đối với tình tiết, sự kiện tài liệu, văn bản mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự kia không phải chứng minh nữa.

    Tuy nhiên cũng cần lưu ý, việc xác định đương sự có nghĩa vụ chứng minh hay không thuộc thẩm quyền của Tòa án.

    Trong trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của thông tin, văn bản, chứng cứ của đương sự đưa ra, dù thuộc tình tiết, sự kiện không phải chứng minh, Tòa án vẫn có thể yêu cầu đương sự hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thêm bằng chứng.

     
    295 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (12/09/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận