Ngày 21/8, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024).
(1) 02 điểm bắn pháo hoa dịp lễ Quốc khánh 02/9 tại TP.HCM
Theo Kế hoạch, đối với dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh, TP.HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao và tầm cao tại 02 khu vực như sau:
- Tầm cao: Đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức) với số lượng 1.500 quả pháo hoa tầm cao, 30 giàn pháo hoa tầm thấp, 10 giàn hỏa thuật.
- Tầm thấp: Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11) với số lượng 90 giàn pháo hoa tầm thấp.
Thời gian bắn pháo hoa sẽ kéo dài 15 phút, từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút vào đêm ngày 02/9.
Theo đó, UBND TP.HCM cũng giao các đơn vị bao gồm Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở GTVT, Công an Thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện những nội dung như sau:
- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trong quá trình vận chuyển đạn pháo hoa, tại các địa điểm bắn pháo hoa, khu vực người dân và du khách tập trung xem pháo hoa.
- Tổ chức phân luồng các tuyến đường trên bộ, dưới sông xung quanh khu vực bắn pháo hoa.
- Không cho các phương tiện lưu thông đậu, dừng trong phạm vi cách vị trí bắn pháo hoa từ 1.000m trở ra,...
(2) Tổ chức bắn pháo hoa vào những dịp nào?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 56/2023/NĐ-CP có quy định về những trường hợp tổ chức bắn pháo hoa như sau:
- Tết Nguyên đán
+ Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
+ Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.
- Giỗ Tổ Hùng Vương
+ Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng.
+ Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 09/3 âm lịch.
- Ngày Quốc khánh
+ Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
+ Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02/9.
- Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
+ Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ;
+ Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07/5.
- Ngày Chiến thắng (ngày 30/4 dương lịch)
+ Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
+ Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30/4.
- Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
+ Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;.
+ Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.
- Những trường hợp khác do Bộ VH-TT&DL quyết định sau khi có văn bản trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Theo đó, hiện nay, sẽ tổ chức bắn pháo hoa vào những dịp như đã nêu trên.
(3) Buôn lậu pháo hoa bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định hành vi sử dụng pháo, thuốc pháo trái phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 05 đến 10 triệu đồng và bị tịch thu tang vật.
- Trường hợp vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu sản xuất pháo thì bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
- Trường hợp mang trái phép pháo ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hoặc vào nơi cấm, khu vực bảo vệ, và mục tiêu bảo vệ thì bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng.
Ngoài ra, trường hợp gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, hoặc gây thương tích cho người khác, thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” hoặc tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 318 và 134 Bộ Luật Hình sự 2015.
Bên cạnh đó, đối với hành vi sản xuất, buôn bán trái phép pháo hoa nổ và pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 Bộ Luật Hình sự 2015, với hình phạt cao nhất là 15 năm tù nếu sản xuất, buôn bán trái phép số lượng pháo từ 120kg trở lên.
Đối với số lượng từ 6kg trở lên, cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới có thể dẫn đến xử lý về tội “Buôn lậu” hoặc “Buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 188 và Điều 190 Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo đó, hiện nay, người có hành vi buôn lậu pháo hoa có thể bị xử phạt theo quy định như đã nêu trên.