Đối với giải pháp thoát nạn, TCVN 13878 : 2023 quy định như sau:
Lối thoát nạn
- Lối thoát nạn phải được bố trí dọc theo hầm.
- Khoảng cách giữa 02 lối thoát nạn dọc theo chiều dài hầm không lớn hơn 300 m.
- Chiều cao thông thủy của lối ra thoát nạn phải không nhỏ hơn 1,9 m, chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn 1 m.
- Hầm có 02 đường hầm liền kề có lối đi cắt ngang (hầm ngang), cho phép sử dụng hầm ngang là lối ra thoát nạn và bảo đảm các yêu cầu sau:
+ Lối đi này phải dẫn trực tiếp vào đường thoát nạn của hầm lân cận.
+ Phải được ngăn cách với đường hầm bằng kết cấu ngăn cháy.
+ Cửa ngăn cháy được lắp đặt tại lối thông trong hầm ngang.
+ Phải đảm bảo cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động.
Đường thoát nạn
- Đường thoát nạn dọc theo chiều dài hầm phải cao hơn mặt đường xe chạy 15 cm.
- Chiều rộng thông thủy đường thoát nạn không được nhỏ hơn 1,2 m chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 1,9 m và dẫn trực tiếp đến lối thoát nạn và phải được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của giao thông trong hầm.
- Khi đường thoát nạn được ngăn cách với đường ô tô, kết cấu này phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn El 120.
- Khi cửa hầm nằm dưới cao độ mặt đất thì phải bố trí các cầu thang, đường dốc để thoát nạn lên mặt đất.
- Mặt đường trong hầm khi có hệ thống quản lý phương tiện có thể được coi là một phần của đường thoát nạn.
- Mặt đường đi của đường thoát nạn và lối thoát nạn phải bảo đảm chống trượt.
Cửa thoát nạn
- Cửa thoát nạn phải bảo đảm khả năng bảo vệ chống cháy và duy trì việc tăng áp của đường thoát nạn.
- Cửa thoát nạn phải mở theo chiều thoát nạn. Cho phép dùng cửa trượt ngang để thoát nạn khi có biển nhận biết loại cửa và hướng mở cửa.
- Lực để mở cửa đến vị trí rộng tối đa phải nhỏ nhất có thể và không được lớn hơn 222 N. Lực mở cửa không được lớn hơn trong mọi trường hợp áp suất thay đổi.
- Cửa thoát nạn và phụ kiện phải được thiết kế để chịu được áp suất âm và áp suất dương tạo bởi phương tiện di chuyển trong hầm.
- Cửa thoát nạn phải có cơ cấu tự động đóng, không phụ thuộc vào nguồn điện bên ngoài.
Ngoài ra, TCVN 13878:2023 quy định về hệ thống điện thoại khẩn cấp như sau:
Hầm có chiều dài từ 500m trở lên phải trang bị hệ thống điện thoại khẩn cấp để người tham gia giao thông hoặc nhân viên vận hành trên hiện trường có thể thông báo các tai nạn, sự cố, cháy, nổ trong hầm tới phòng trực điều khiển phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Điện thoại khẩn cấp được trang bị phía ngoài cửa hầm, bên trong đường ô tô, cửa lối thông ngang của 02 hầm liền kề, phòng trực điều khiển phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Điện thoại khẩn cấp trong đường ô tô được bố trí gần hoặc bên trong các tủ chữa cháy có khoảng cách giữa 02 điện thoại khẩn cấp không lớn hơn 150 m.
- Các điện thoại khẩn cấp được kết nối và ghép kênh đặt tại trung tâm điều khiển, điện thoại đặt trong hầm được kết nối bằng cáp điện thoại chống cháy, từ đây tín hiệu sẽ được các bộ phận ghép kênh truyền về trung tâm điều khiển bằng đường truyền cáp quang.
Tóm lại, TCVN 13878:2023 là tiêu chuẩn quan trọng nhằm đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn trong các hầm đường bộ tại Việt Nam, quy định một số yêu cầu về giải pháp thoát nạn trong an toàn PCCC với hầm đường bộ và hệ thống điện thoại khẩn cấp.