Bác sĩ răng hàm mặt là những bác sĩ có chuyên môn về việc chẩn đoán và điều trị các vấn đề về răng hàm mặt cho các bệnh nhân, bác sĩ răng hàm mặt cũng có chuyên môn về chăm sóc về sức khỏe răng miệng, thẩm mĩ cho con người.
Yêu cầu trình độ chuyên môn của bác sĩ răng hàm mặt khi đảm nhận chức danh bác sĩ chính là gì?
Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hiện nay được quy định tại Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV.
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV thì nhóm chức danh nghề nghiệp bác sĩ, bao gồm:
- Bác sĩ cao cấp (hạng I) Mã số: V.08.01.01;
- Bác sĩ chính (hạng II) Mã số: V.08.01.02;
- Bác sĩ (hạng III) Mã số: V.08.01.03.
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn của bác sĩ chính (hạng II) được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT như sau:
“2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên ngành Răng - Hàm - Mặt.
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).”
Như vậy, yêu cầu trình độ chuyên môn của bác sĩ răng hàm mặt khi đảm nhận chức danh bác sĩ chính là phải là thạc sĩ trở lên ngành Răng - Hàm - Mặt.
07 nhiệm vụ trọng tâm của Bác sĩ chính (hạng II) theo quy định pháp luật
Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV có quy định về các nhiệm vụ của Bác sĩ chính (hạng II) gồm:
(1) Khám bệnh, chữa bệnh:
- Chủ trì hoặc tham gia hội chẩn chuyên môn thuộc lĩnh vực được giao;
- Tổ chức, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh;
- Tổ chức, xử trí cấp cứu, cấp cứu thuộc chuyên khoa, trường hợp khó do tuyến dưới chuyển đến;
- Phát hiện và báo cáo sai sót chuyên môn kỹ thuật trong phạm vi chuyên môn được giao;
- Giám sát, kiểm tra, đánh giá, cải tiến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chuyên môn được giao.
(2) Thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe:
- Xác định nhu cầu và đề ra nội dung hướng dẫn, giáo dục sức khỏe;
- Tổ chức lập kế hoạch, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch tư vấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe dựa vào mục tiêu và nhu cầu thực tế;
- Đề xuất các biện pháp quản lý sức khỏe trong phạm vi được giao.
(3) Tổ chức, thực hiện tư vấn cho người bệnh hoặc gia đình người bệnh lựa chọn dịch vụ y tế phù hợp;
(4) Vận hành và sử dụng được thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, can thiệp điều trị, cấp cứu trong phạm vi được giao;
(5) Tổ chức giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần thuộc chuyên khoa hoặc lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật;
(6) Trực tiếp hoặc phối hợp tham gia công tác chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật, triển khai phòng, chống dịch và các bệnh xã hội khi được giao;
(7) Đào tạo và nghiên cứu khoa học:
- Tổ chức biên soạn tài liệu chuyên môn; xây dựng quy chế, quy trình kỹ thuật chuyên môn thuộc lĩnh vực được giao;
- Trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng và chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với viên chức chuyên môn và học viên, sinh viên khi được giao;
- Chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học.
Trên đây là các nhiệm vụ của Bác sĩ chính theo quy định pháp luật, thực tế chức danh nghề nghiệp này còn có thể đảm nhận những nhiệm vụ khác.