Hiện nay, hệ thống văn bản pháp lý Việt Nam chưa đưa ra khái niệm cụ thể về “Quyền phản tố”. Tuy nhiên, với một số quy định liên quan, chúng ta có thể hiểu:
1. Quyền phản tố (hay còn gọi là quyền yêu cầu phản tố) là một quyền của bị đơn (người bị kiện) trong vụ án dân sự.
Theo đó bị đơn có quyền kiện ngược lại nguyên đơn (người kiện) nếu như yêu cầu phản tố của bị đơn đáp ứng các điều kiện của quy định pháp luật. Tóm lại, yêu cầu phản tố được hiểu là việc đưa ra các yêu cầu mang tính “đối ngược” với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
2. ĐIỀU KIỆN về Quyền yêu cầu phản tố
Căn cứ theo quy định tại Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) và tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP thì quyền yêu cầu phản tố của bị đơn phải đáp ứng các điều kiện sau:
-Thứ nhất: Đối tượng của yêu cầu phản tố hướng đến
Đối tượng của yêu cầu phản tố của bị đơn hướng đến chỉ có thể là nguyên đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Theo đó, bị đơn không thể có yêu cầu phản tố đối với người mà không phải là đương sự trong vụ án, và cũng không được đưa ra yêu cầu phản tố đối với đồng bị đơn trong vụ án.
-Thứ hai: Thời điểm đưa ra quyền yêu cầu phản tố
Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
-Thứ ba: Yêu cầu phản tố phải là yêu cầu không cùng với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
+ Tức được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết.
Ví dụ: Nguyên đơn A có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn B phải trả lại tiền thuê nhà còn nợ của năm 2005 là năm triệu đồng. Bị đơn B có yêu cầu đòi nguyên đơn A phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là ba triệu đồng. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn B được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A.
+ Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập)
Ví dụ: Nguyên đơn C có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu đối với một xe ô tô và buộc bị đơn D trả lại cho mình xe ô tô đó. Bị đơn D có yêu cầu Toà án không công nhận xe ô tô này thuộc sở hữu của C mà là của mình hoặc công nhận xe ô tô này thuộc sở hữu chung của C và D. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn D không được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn C.
-Thứ tư: Yêu cầu phản tơ phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ TH1: Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Cụ thể trường hợp này được hiểu là yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn,người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Ví dụ: Nguyên đơn A có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn B phải trả lại tiền thuê nhà còn nợ của năm 2005 là năm triệu đồng. Bị đơn B có yêu cầu đòi nguyên đơn A phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là ba triệu đồng. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn B được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A.
+ TH2: Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Tức yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn,người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lậpvà nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.
Ví dụ: A có chiếc xe ô tô thuộc sở hữu riêng đã bán cho C, nhưng nói với con (B là con của A) là cho C thuê mỗi tháng năm triệu đồng. Sau đó A chết, B khởi kiện yêu cầu C phải thanh toán tiền thuê xe trong một năm qua là sáu mươi triệu đồng. C có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu xe ô tô và có tranh chấp. Nếu Toà án chấp nhận yêu cầu phản tố của C, thì dẫn đến không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của B đòi C thanh toán tiền thuê xe ô tô.
+ TH3: Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Ví dụ: Chị M khởi kiện yêu cầu anh N phải trợ cấp nuôi con P một tháng ba trăm ngàn đồng. Anh N có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án xác định P không phải là con của anh.
-Thứ năm: Thủ tục yêu cầu phản tố
Thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Có nghĩa là bị đơn phải soạn đơn phản tố bằng văn bản và gửi tới Tòa án, sau đó bị đơn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí như nguyên đơn.
3. Có áp dụng THỜI HIỆU đối với yêu cầu phản tố hay không?
Quan điểm thứ nhất: Yêu cầu phản tố cũng được coi là yêu cầu khởi kiện nên cũng phải áp dụng thời hiệu khởi kiện giống như yêu cầu khởi kiện.
Khoản 4 Điều 72 BLTTDS quy định:
Điều 72. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn
4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
|
Theo đó, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Và với yêu cầu phản tố đó, bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 BLTTDS.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 202 BLTTDS, thủ tục yêu cầu phản tố cũng được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn
Điều 202. Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập
Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.
|
Mặt khác, bị đơn cũng phải thực hiện nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLTTDS.
Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn cũng được hiểu chính là một yêu cầu khởi kiện. Khi có phát sinh “yêu cầu phản tố”, bị đơn cũng có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như nguyên đơn. Do vậy, quan điểm này cho rằng yêu cầu phản tố cũng là yêu cầu khởi kiện nên yêu cầu này cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện theo Điều 184 BLTTDS; nếu yêu cầu phản tố đã quá thời hiệu khởi kiện thì tòa sẽ lấy đó làm căn cứ để không chấp nhận.
Quan điểm thứ hai: Yêu cầu phản tố không phải là yêu cầu khởi kiện mà chỉ được áp dụng các thủ tục của yêu cầu khởi kiện do có tính tương tự nên không được áp dụng thời hiệu.
Mọi vụ án dân sự luôn phát sinh bắt đầu bằng việc khởi kiện của nguyên đơn. Nếu yêu cầu khởi kiện đó được Tòa án thụ lý thì sau đó phía bị đơn phải tìm hiểu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là gì để từ đó chấp nhận hay có yêu cầu phản tố. Nói cách khác, bị đơn luôn ở thế bị động, phụ thuộc vào các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu phản tố luôn luôn có sau yêu cầu khởi kiện, khi nào có yêu cầu khởi kiện thì mới phát sinh yêu cầu phản tố. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn là dạng quyền “phái sinh” từ quyền khởi kiện của nguyên đơn.
Khoản 4 Điều 200 BLTTDS đã quy định:
Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố bất kì thời điểm nào trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Theo đó, thời hiệu khởi kiện chỉ áp dụng đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chứ không áp dụng với yêu cầu phản tố của bị đơn. Hay nói cách khác, đây là quyền không bị hạn chế về thời hiệu như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Mặt khác, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện, có nghĩa đây là quy định dành cho nguyên đơn thực hiện quyền khởi kiện của mình trong một thời hạn nhất định. Tại Điều 200 BLTTDS về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn, không có nội dung nào xác định bị đơn phải phản tố trong thời hiệu khởi kiện.
Như vậy, trong khoảng thời gian từ khi tòa thụ lý vụ án đến trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố bất kỳ lúc nào.
Kết luận: Hiện nay còn tồn tại 02 chiều hướng quan điểm về việc có hay không áp dụng thời hiệu cho yêu cầu phản tố. Và, thiết nghĩ cần sớm có sự hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao để áp dụng một cách thống nhất trong vấn đề này, đảm bảo tính công bằng, khách quan cho mọi vụ việc.