Tình huống phát sinh là giáo viên THCS được đơn vị quản lý rà soát lại danh sách giáo viên xét thăng hạng THCS hạng II năm 2024 thì yêu cầu phải có bằng đại học đủ 9 năm. Vậy yêu cầu này là đúng hay sai?
Điều kiện thăng hạng giáo viên THCS
Liên quan vấn đề này, tại Khoản 4 Điều 4 Văn bản hợp nhất 10/VBHN-BGDĐT năm 2023 hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có nêu về yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khi nâng hạng như sau:
- Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học cơ sở và triển khai thực hiện có kết quả vào nhiệm vụ được giao;
- Có khả năng điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; có khả năng xây dựng bài học theo chủ đề liên môn;
- Chủ động cập nhật và có khả năng vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, công nghệ dạy học và giáo dục đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương;
- Chủ động cập nhật và có khả năng vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
- Có khả năng vận dụng có hiệu quả các biện pháp tư vấn tâm lý, hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục;
- Chủ động, tích cực tạo dựng mối quan hệ hợp tác lành mạnh, tin tưởng với cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;
- Chủ động nghiên cứu và có khả năng cập nhật kịp thời các yêu cầu mới về chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng vận dụng sáng tạo, phù hợp, có hiệu quả các hình thức nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân;
- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm;
- Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;
- Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Trong các yêu cầu trên thì có nêu rõ là có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên. Nội dung này được hướng dẫn thêm tại Khoản 3 Điều 10 Văn bản hợp nhất 10/VBHN-BGDĐT năm 2023 rằng thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở trước đây được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên trung học cơ sở theo Luật Giáo dục 2019.
Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
Đối với nội dung này, tại Khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 có nêu về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
- Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
- Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
- Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, đối với giáo viên THCS yêu cầu phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Do đó, yêu cầu của cơ quan nhà nước là phải có bằng đại học đủ 9 năm là phù hợp.