Hãng hàng không khai thác tàu bay mà không có Giấy chứng nhận tiếng ồn thì bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào? Nếu tiếng ồn vượt quá mức cho phép thì có bị xử phạt không? Thời hiệu xử phạt là bao lâu?
1. Quy định về xử phạt vi phạm thác tàu bay mà không có Giấy chứng nhận tiếng ồn
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 162/2018/NĐ-CP về vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác tàu bay như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) đến 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Khai thác tàu bay mà không có Giấy chứng nhận tiếng ồn do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc công nhận;
- Không có quy trình kiểm soát nội bộ việc thu gom, phân loại chất thải từ tàu bay;
- Sử dụng hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn và vệ sinh trong tàu bay không tuân theo quy định tại danh mục hóa chất, phế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế được phép đăng ký để sử dụng, được phép đăng ký nhưng hạn chế sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam.
Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với vi phạm tại Điểm a, c khoản 2 Điều 14 Nghị định 162/2018/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
=> Theo đó, đối với hãng hàng không là tổ chức khai thác tàu bay mà không có Giấy chứng nhận tiếng ồn do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc công nhận sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
2. Quy định về xử phạt vi phạm khai thác tàu bay có tiếng ồn của tàu bay vượt quá giới hạn trong Giấy chứng nhận tiếng ồn
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 162/2018/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 6 Điều 3 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác tàu bay như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) đến 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không thực hiện đúng quy trình kiểm soát nội bộ việc thu gom, phân loại chất thải từ tàu bay;
- Khai thác tàu bay mà có tiếng ồn của tàu bay vượt quá giới hạn trong Giấy chứng nhận tiếng ồn;
- Khai thác tàu bay mà khí thải từ động cơ tàu bay vượt quá giới hạn;
- Không thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong khai thác tàu bay;
- Không xây dựng kế hoạch giám sát nhiên liệu theo quy định;
- Không gửi kế hoạch giám sát nhiên liệu theo quy định;
- Không thực hiện báo cáo phát thải đối với chuyến bay quốc tế; nhiên liệu đối với các chuyến bay nội địa theo quy định.
Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với vi phạm tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 14 Nghị định 162/2018/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
=> Theo đó, trường hợp hãng hàng không khai thác tàu bay có tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép trong Giấy chứng nhận tiếng ồn thì bị xử phạt vi phạm hành chính mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
3. Thời hiệu xử lý vi phạm
Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 Nghị định 162/2018/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không là 01 năm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính về phí, lệ phí; quản lý giá; xây dựng các công trình hàng không; bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng không; đất đai cảng hàng không, sân bay; kinh doanh hàng hóa tại cảng hàng không; buôn bán hàng cấm, hàng giả thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
=> Theo đó, hành vi phạm hành chính đối với hãng hàng không khai thác tàu bay mà không có Giấy chứng nhận tiếng ồn hoặc có tiếng ồn vượt quá mức giới hạn trong Giấy chứng nhận tiếng ồn thuộc vi phạm về bảo vệ môi trường trong khai thác tàu bay nên thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Như vậy, hãng hàng không khai thác tàu bay mà không có Giấy chứng nhận tiếng ồn thì bị phạt tiền vi phạm hành chính từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Nếu tiếng ồn vượt quá vượt quá giới hạn trong Giấy chứng nhận tiếng ồn thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Thời hiệu xử phạt đối với các hành vi này là 02 năm.