Tổ chức, cá nhân khai thuế dẫn tới thiếu số tiền thuế phải nộp trên tờ khai hải quan thì bị xử phạt như thế nào? Trốn thuế trong lĩnh vực hải quan bao gồm những hành vi nào?
1. Xử phạt hành vi khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp
Theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, hành vi khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp là các hành vi bao gồm:
- Khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ, trừ quy định tại khoản 8 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định 128/2020/NĐ-CP;
- Khai sai đối tượng không chịu thuế, đối tượng miễn thuế, hàng quản lý theo hạn ngạch thuế quan;
- Lập và khai không đúng các nội dung trong hồ sơ miễn thuế, hồ sơ xét miễn, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, hồ sơ xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa;
- Vi phạm quy định về quản lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với chứng từ kế toán, sổ kế toán, hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không thuộc trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e và điểm g khoản 1 Điều 14 Nghị định 128/2020/NĐ-CP;
- Vi phạm quy định quản lý hàng hóa trong kho bảo thuế dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với chứng từ, sổ sách kế toán, hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Nghị định 128/2020/NĐ-CP;
- Lập báo cáo quyết toán về lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất không đúng với thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công, sản phẩm xuất khẩu;
- Khai báo hàng hóa nhập khẩu theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng không có cơ sở sản xuất hàng gia công, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoặc không có máy móc, thiết bị thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu.
Mức xử phạt đối với các hành vi trên được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 9 Nghị định 128/2020/NĐ-CP như sau:
- Phạt 10% tính trên số tiền thuế khai thiếu khi người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ thuế:
+ Sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan;
+ Sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với hàng hóa đã được thông quan;
+ Quá thời hạn quy định khai bổ sung báo cáo quyết toán nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan ban hành quyết định kiểm tra báo cáo quyết toán.
- Phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu khi:
+ Bị cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan;
+ Bị phát hiện khi kiểm tra, thanh tra đối với hàng hóa đã thông quan;
+ Không khai bổ sung về trị giá hải quan theo quy định mà bị phát hiện khi kiểm tra, thanh tra đối với trường hợp hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan;
+ Người khai hải quan tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ thuế sau khi có kết luận kiểm tra, thanh tra.
=> Theo đó, khi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp mà số tiền thuế chênh lệch từ 500.000 đồng/tờ khai hải quan đối với vi phạm của cá nhân, từ 2.000.000 đồng/tờ khai hải quan đối với vi phạm của tổ chức thì sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên.
2. Hành vi trốn thuế trong lĩnh vực hải quan
Các hành vi trốn thuế trong lĩnh vực hải quan được quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 128/2020/NĐ-CP bao gồm:
- Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp, không đúng với thực tế giao dịch để kê khai thuế; tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng từ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu;
- Khai sai mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế đối với những mặt hàng đã được Bộ Tài chính, cơ quan hải quan hướng dẫn mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế theo quy định;
- Vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 Điều 9 mà cá nhân, tổ chức vi phạm không nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm;
- Làm thủ tục xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất;
- Khai sai so với thực tế hàng hóa xuất khẩu về lượng, chủng loại, sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất; hàng tái xuất;
- Không kê khai về nguyên liệu, vật tư mua trong nước có thuế xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công xuất khẩu; khai sai phần trị giá nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công làm tăng số tiền thuế được miễn đối với sản phẩm gia công khi nhập khẩu trở lại Việt Nam;
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hàng quản lý theo hạn ngạch thuế quan không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan;
- Khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa;
- Không ghi chép trong sổ sách kế toán các khoản thu, chi liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
- Bán hàng miễn thuế không đúng đối tượng, định lượng, điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.
=> Theo đó, khi có hành vi vi phạm như trên thì được xác định là hành vi trốn thuế và sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt 01 lần số tiền thuế trốn trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng;
- Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 03 lần số tiền thuế trốn.
Như vậy, hành vi khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp sẽ bị xử phạt với mức phạt 10% hoặc 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu tùy vào từng trường hợp. Khi tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt 01 lần số tiền thuế trốn và buộc nộp đủ số tiền thuế trốn theo quy định.