Tại khoản 29 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 định nghĩa thành viên công ty là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn.
Tại Điều 47 Luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định:
"Điều 47. Góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
...
2. Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
3. Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
a) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
b) Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
c) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
4. Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên."
>> Theo quy định này thì về nguyên tắc thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quá thời gian này mà chưa góp đủ thì thành viên sẽ được xử lý theo khoản 3 tùy thuộc vào mức độ góp vốn của họ.
Nguyên tắc là họ phải có góp thực thì mới có cơ sở để chuyển nhượng vốn (đây là em nói về nguyên tắc quy định, còn trên thực tế thì có nhiều trường hợp làm để hợp thức hóa khi thành viên vẫn chưa góp đủ, nếu xét theo quy định thì làm như vậy là sai).
Thứ hai, việc phạt người góp vốn khi chưa góp đủ là không có quy định phạt. Họ chỉ bị mất tư cách thành viên công ty hoặc bị ảnh hưởng đến quyền lợi thành viên tương ứng với số tiền vốn góp thiếu mà thôi ạ.
Thứ ba, còn về phía Công ty, nếu cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện thì phía Công ty có thể sẽ bị xác định có hành vi kê khai khống vốn điều lệ và sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP