Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật lao động 2012 thì thời hiệu xử lý kỷ luật trong trường hợp này là 6 tháng, do đó,việc vợ anh vi phạm vào tháng 12/2018 nhưng đến tháng 5/2019 mới xử lý kỷ luật vẫn được. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 123 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:
"4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;
d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi."
Theo đó trong thời gian vợ anh mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì phía công ty không được xử lý kỷ luật. Trường hợp có vi phạm thì cần đợi đến khi hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nếu thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Do đó, trường hợp này việc Công ty sa thải vợ anh là trái quy định. Anh có thể gửi đơn kiến nghị đến công đoàn hoặc phòng Lao động, Thương binh và Xã hội để được giải quyết nhé.
Về trợ cấp thất nghiệp, anh có thể tham khảo Điều 49 Luật Việc làm 2013. Theo đó trường hợp bị sa thải vẫn có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.
2. Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
"Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này."
Theo đó thì trường hợp này vợ nếu thời gian đóng thai sản của vợ anh đáp ứng điều kiện là đủ 06 tháng trở lên trong thời hạn 12 tháng trước khi sinh con thì vẫn sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Do vợ anh đã không còn làm việc tại công ty nên cần liên hệ cơ quan BHXH nơi cư trú để nộp hồ sơ hưởng chế độ. Hồ sơ cụ thể như sau:
a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
b) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
c) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
d) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
đ) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này.