Trong năm 2022 công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn chưa triệt để.
Đặc biệt vừa qua, theo báo cáo năm 2022, có 74 người kê khai chưa đúng quy định, trong đó 10 người bị xử lý hình sự. Vậy pháp luật quy định xử lý công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực như thế nào và trường hợp nào thì bị xử lý hình sự?
Kê khai tài sản, thu nhập là gì?
Kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập căn cứ theo Điều 34, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, bao gồm:
- Nhóm 1: Cán bộ, công chức.
- Nhóm 2: Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
- Nhóm 3: Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Nhóm 4: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Theo đó, cán bộ công chức nằm trong những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng.
Nhìn qua những vụ án cán bộ, đảng viên, gồm cả cán bộ, quan chức cao cấp bị xử lý kỷ luật, phạt tù lại cho thấy, hầu hết những cán bộ, đảng viên suy thoái đều không trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập.
Chỉ khi chủ nhân của những bản kê khai này bị pháp luật xử lý vi phạm, kê biên tài sản thì tính xác thực của nó mới được phơi bày.
Vậy chế tài nào dành cho các cán bộ, công chức không kê khai tài sản, thu nhập đúng luật?
Xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai
Theo quy định tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tại Khoản 2, Điều 20, Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ có quy định như sau:
Thứ nhất, pháp luật quy định người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Cụ thể:
- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
- Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai không thuộc các trường hợp trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức như sau:
- Cảnh cáo;
- Hạ bậc lương;
- Giáng chức;
- Cách chức;
- Buộc thôi việc ;
- Bãi nhiệm.
Ngoài ra, nếu những người vi phạm mà được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quyết định kỷ luật được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật làm việc.
Thứ hai, người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức:
- Cảnh cáo;
- Hạ bậc lương;
- Giáng chức;
- Cách chức;
- Bãi nhiệm;
- Buộc thôi việc;
- Giáng cấp bậc quân hàm;
- Giáng cấp bậc hàm.
Xử lý hành vi vi phạm khác trong kiểm soát tài sản, thu nhập
Ngoài việc xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai Nghị định 130/20202/NĐ-CP còn quy định về xử lý hành vi vi phạm khác trong kiểm soát tài sản, thu nhập, cụ thể như sau:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.
- Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
- Các hành vi vi phạm quy định tại Điều 20, các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Nghị định 130/2020/NĐ-CP nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.