"Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm."
"Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật."
Sự khác nhau giữa 2 biện pháp này thể hiện qua những điều sau:
Thứ nhất, đó chính là điều kiện áp dụng.
Theo điều 33 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
"1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Phạt tiền;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
b) Cấm huy động vốn;
c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung."
Do đó, về bản chất thì tạm đình chỉ là hình phạt chính, còn cấm kinh doanh là hình phạt bổ sung, và nguyên tắc áp dụng là chỉ được áp dụng hình phạt bổ sung khi phạt hình phạt chính.
Thứ hai, phạm vi áp dụng phạt.
Cụ thể, điều kiện áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động là hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Nghĩa là pháp nhân này hoàn toàn ngưng mọi hoạt động kinh doanh thương mại trong một khoảng thời gian nhất định, từ 06 tháng đến 03 năm.
Còn về cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định nghĩa là pháp nhân vẫn có thể hoạt động tiếp tục được, chỉ trừ ngành nghề bị cấm kinh doanh đó ra.
Ví dụ: Công ty Trách nhiệm hữu hạn X đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu máy móc thiết bị xây dựng; đầu tư kinh doanh bất động sản; sản xuất công nghiệp… Trong quá trình hoạt động, công ty X đã nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng với giá rẻ và in dán nhãn mác của các thương hiệu lớn và bán ra thị trường thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, theo quy định của Điều 80, ngoài hình phạt chính, Tòa án có thể áp dụng hình phạt bổ sung là cấm kinh doanh từ 1- 3 năm đối với hoạt động xuất nhập khẩu máy móc thiết bị xây dựng nhằm ngăn chặn khả năng tiếp tục vi phạm của công ty X. Nghĩa là chỉ bị cấm 1 ngành nghề là xuất nhập khẩu máy móc thiết bị, còn lại những ngành khác vẫn hoạt động bình thường. Còn nếu đình chỉ có thời hạn thì công ty hoàn toàn ngưng hoạt động trong thời gian đình chỉ.