Chào bác, căn cứ các quy định tại Chương XXII
Bộ luật dân sự 2015 về thừa kế theo di chúc, bác có thể lựa chọn một trong các hình thức lập di chúc dưới đây:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Người làm chứng cho việc lập di chúc có thể bất kỳ người nào, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự);
- Di chúc bằng văn bản có công chứng;
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Về nội dung, di chúc thể hiện rõ các nội dung nêu tại Điều 631
Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản;
Ngoài các nội dung trên, di chúc có thể có các nội dung khác. VD Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ (nếu có).
Về hình thức, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Bên cạnh đó, bác cũng nên lưu ý thêm là 1 bản di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 630
Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Một số thông tin để bác tham khảo ạ.