Theo nguyên tắc chung về phương thức xét xử trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 thì: Tòa án phải tiến hành xét xử CÔNG KHAI.
Có thể nói, việc xét xử công khai thể hiện tính dân chủ nhằm đảm bảo cơ chế kiểm tra và giám sát của dân đối với hoạt động xét xử. Bên cạnh đó,xét xử công khai còn giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng làm việc của đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trước quần chúngnhân dân trong việc họ phải là những người đảm bảo việc xét xử công bằng, công tâm và khách quan. Mặt khác, việc Toà án tiến hành xét xử công khai cũng góp phần giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, bởi thông qua hoạt động xét xử công khai mọi người có thể nhận thức được rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật thì cũng sẽ bị xử lý và chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
Điều 25. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai
Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.
Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
|
Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì Tòa án vẫn có thể tiến hành xét xử KÍN, cụ thể là trong 04 trường hợp sau đây:
- TH1: Giữ bí mật nhà nước;
- TH2: Giữ thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
- TH3: Bảo vệ người dưới 18 tuổi phạm tội;
- TH4: Giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Mặt khác, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015: “Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”. Như vậy, chiếu theo quy định tại Điều 25 BLTTHS 2015 thì chỉ có 03 chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án xét xử kín để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của họ, đó là:
(1) Nguyên đơn dân sự,
(2) Bị đơn dân sự,
(3) Người có quyền lợi liên quan.
Theo đó, với các quy định hiện hành thì có thể thấy rằng đối tượng có quyền đề nghị xét xử kín vẫn chưa thực sự bảo vệ hết được quyền lợi của các chủ thể khác trong vụ án hình sự. Ví dụ như trong vụ án hiếp dâm chẳng hạn, vì sợ bị mọi người dòm ngó, bàn tán rồi ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của mình nên bị hại muốn được xét xử kín. Tuy nhiên chiếu theo quy định hiện hành thì pháp luật lại không cho phép bị hại có quyền yêu cầu xét xử kín. Có thể khẳng định đây được xem là một bất cập tại BLTTHS 2015.
Thành phần tham gia phiên tòa xét xử kín: Vụ án được xử kín thì chỉ có Hội đồng xét xử (gồm thẩm phán, hội thẩm nhân dân), kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giam định, người phiên dịch được tham gia phiên tòa. Các chủ thể khác như người thân của bị cáo, bị hại... không được tham gia phiên tòa.
Như vậy, về đại thể là thành phần tham gia phiên tòa xét xử kín chỉ gồm: (1) Người tiến hành tố tụng và (2) Chủ thể tham gia tố tụng.
Điểm tiếp theo mà chúng ta cần chú ý trong quy định về thủ tục xét xử kín đó là mặc dù quá trình xét xử kín nhưng việc tuyên án phải thực hiện CÔNG KHAI. Theo đó, tuyên án công khai được hiểu là việc tuyên án đó không được thực hiện kín mà được tuyên cho mọi người khác (các chủ thể không được tham gia phiên xét xử kín) cùng nghe. Có thể hiểu, quy định về việc tuyên án công khai này nhằm đảm bảo phán quyết của Tòa án phải được công khai để từ đó giúp nhân dân giám sát và kiểm tra tính khách quan, minh bạch của phán quyết. Một điều quan trọng nữa của việc tuyên án công khai cũng nhằm giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân bởi, thông qua hoạt động xét xử công khai mọi người nhận thức được rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào đều bị xử lí theo pháp luật, thể hiện tính răn đe và mục đích phòng ngừa chung đến xã hội.
Cập nhật bởi lanbkd ngày 12/07/2018 09:30:02 SA