Vừa qua, nhiều vụ tai nạn xe liên tiếp xảy ra và xuất hiện tràn lan trên các mặt báo, gây ùn tắc giao thông. Lỗi là do đâu? Trên thực tế phần lớn các vụ tai nạn xảy ra do người lái xe không cẩn thận khi đi đường nhưng cũng có một phần nguyên nhân do lỗi kỹ thuật của phương tiện. Vậy khi tai nạn xảy ra với nguyên là do xe bị lỗi hệ thống thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường?
Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 giải thích là nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Do đó, xe máy, xe ô tô cũng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.
Các phương tiện lưu thông trên đường là nguồn nguy hiểm cao độ, khi xảy ra tai nạn chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Cụ thể:
Căn cứ theo Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tại khoản 3 Điều 601 BLDS 2015 quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì có thể thấy rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phát sinh ngay cả khi không tồn tại yếu tố lỗi của chủ sở hữu hay người có quyền chiếm hữu đối với nguồn nguy hiểm cao độ.
Điều này chứng tỏ rằng, hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của con người hoặc cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, điều khiển. Tuy nhiên, lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với thiệt hại trên thực tế do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi, do hành vi của người điều khiển, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm này.
Theo Khoản 2, khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có nội dung như sau:
– Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
– Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Theo đó, thì khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản.
Như vậy, chủ sở hữu xe ô tô đồng thời là người gây ra tai nạn nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu cho rằng vụ việc xảy ra do lỗi kỹ thuật của xe thì có thể yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường tìm hiểu nguyên nhân tai nạn.
Vậy xe có bị lỗi hệ thống, kỹ thuật có được xem là trường hợp bất khả kháng không?
Cụ thể, đối với tài xế lái xe ô tô khi để ô tô bị lỗi kỹ thuật trong trường hợp bất khả kháng, thông thường, bất kỳ loại phương tiện nào cũng phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật, đảm bảo an toàn mới được tham gia giao thông. Tại Điều 10 Thông tư 53/2014/TT-BGTVT đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe trong việc kiểm tra tình trạng hoạt động đảm bảo an toàn kỹ thuật cho xe cơ giới trước khi tham gia giao thông.
Đồng thời, những người này cũng có trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên để nắm chắc tình trạng kỹ thuật của xe. Qua đó, kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động an toàn, ổn định.
Từ quy định trên có thể thấy, trường hợp khi tham gia giao thông mà để xảy ra tai nạn, thì nguyên nhân xe với lỗi kỹ thuật không được coi là bất khả kháng mà xuất phát từ lỗi của chủ phương tiện, người quản lý, sử dụng xe và cả người có trách nhiệm bảo dưỡng.
Như vậy, trong vụ việc trên, khi có tai nạn và hậu quả xảy ra, chủ sở hữu xe ô tô đồng thời là người gây ra tai nạn nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.
Về phía bảo hiểm, khi chủ sở hữu xe có tham gia và đáp ứng đủ điều kiện thì công ty bảo hiểm sẽ đền bù một phần thiệt hại do chủ xe gây ra. Sau khi phía công ty bảo hiểm đền thiệt hại, nếu công ty chứng minh được lỗi hỏng hóc do nhà sản xuất thì sẽ có thể kiện ngược lại hãng xe để bồi thường những thiệt hại từ phía chủ xe gây ra.