Từ trước đến nay, đất công được hiểu là đất thuộc quyền sử dụng của Nhà nước, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Với mục đích phục vụ công cộng như làm đường xá, cầu cống, công viên, trường học, bệnh viện,... Đất công thuộc quyền sở hữu của nhà nước, bất cứ một cá nhân hay một tổ chức nào muốn sở hữu thì bắt buộc phải có văn bản quyết định của nhà nước.
Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có quy định nào về khái niệm đất công. Tuy nhiên, theo điểm e khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 thì Đất sử dụng vào mục đích công cộng được coi là đất công.
Căn cứ theo Điều 12 Luật Đất đai 2013 và Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về hành vi lấn chiếm đất như sau:
1. Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
2. Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
c) Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp)
d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.”
Hành vi xây dựng nhà ở trên đất công là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1, 5, 6 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính với hành vi lấn chiếm đất là 1 năm theo điểm a khoản 4 Điều 1 Luật xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi 2022.