Hoạt động thu thập chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Bởi thu thập được đầy đủ chứng cứ Toà án và những người tham gia tố tụng mới đủ điều kiện và cơ sở để nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, từ đó mới có thể ra phán quyết đúng đắn về vụ việc dân sự. Do đó, các chủ thể chứng minh đều tham gia vào hoạt động thu thập chứng cứ. Tuỳ theo vị trí tố tụng trong tố tụng dân sự, các cá nhân, cơ quan tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng có thể với tư cách là đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người thẩm định giá tài sản. Họ tham gia vào quá trình chứng minh nhằm làm sáng tỏ vụ việc dân sự với mục đích và vai trò khác nhau. Để chứng minh cho yêu cầu của mình hay các thông tin, kết luận của mình về vụ việc dân sự thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền và nghĩa vụ thu thập chứng cứ để giao nộp cho Toà án. Vì vậy, BLTTDS 2015 đã quy định các biện pháp thu thập chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Với tư cách là cơ quan giải quyết vụ việc dân sự, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự được đúng đắn, cũng như hỗ trợ các bên đương sự khi họ không thể tự mình thu thập chứng cứ, khoản 2 Điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã quy định cụ thể các biện pháp thu thập chứng cứ của Toà án. Tuỳ từng trường hợp, Thẩm phán có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp để thu thập chứng cứ.
Nhìn chung, quy định của BLTTDS về xác minh, thu thập chứng cứ rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế áp dụng vẫn có nhiều vướng mắc và bất cập.