Trong vụ án hình sự, việc xác định tuổi là hết sức quan trọng.
Trong nhiều trường hợp, việc xác định tuổi là cơ sở để định tội, ví dụ các tội phạm được quy định tại Điều 142 BLHS (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 114 BLHS (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi ); Điều 145 BLHS ( Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi) ;Điều 1147 BLHS (tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm); Điều 256 BLHS (tội mua dâm người dưới 18 tuổi) v.v…
Bên cạnh đó, tuổi còn có vai trò xác định khung hình phạt, chẳng hạn các tội phạm quy định tại Khoản 4 Điều 141 BLHS (hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi); Khoản 3 Điều 255 BLHS (tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy) ....
Cá biệt, tuổi là cơ sở để xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điểm i Khoản 1 Điều 48 BLHS –phạm tội với người dưới 16 tuổi , phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên); Điểm o Khoản 1 Điều 52 BLHS – xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội .
Việc xác định tuổi của bị cáo cũng như của người bị hại là yêu cầu có tính bắt buộc đối với các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án). Đối với các tội phạm mà tuổi đóng vai trò là tình tiết định tội, định khung hoặc là tình tiết tặng nặng thì hồ sơ vụ án phải có tài liệu chứng minh tuổi của bị cáo hoặc người bị hại. Nếu thiếu cơ sở chứng minh này, hồ sơ vụ án coi như bị thiếu chứng cứ quan trọng và không thể xét xử được.
Hiện nay, tuổi của bị cáo vẫn được xác định theo Thông tư liên tịch số : 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH
Việc xác định tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo thì tuổi của họ được xác định như sau:
1. Trường hợp xác định được tháng sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày thì trong tháng đó lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.
2. Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
3. Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
4. Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh của bị can, bị cáo thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.
5. Trường hợp không xác định được năm sinh của bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.
Đây là những hướng dẫn theo hướng có lợi cho bị cáo, thể hiện tính nhân đạo một cách sâu sắc của Luật Hình sự Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cũng không loại trừ trường hợp không biết bị cáo sinh vào ngày tháng năm nào. Nghị quyết không hướng dẫn trường hợp này. Tuy nhiên, trên thực tế nếu trường hợp này xảy ra thì các quan tiến hành tố tụng buộc phải trưng cầu giám định để xác định năm sinh cho bị cáo.
Việc xác định tuổi cho người bị hại thì sao?
Cho đến nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cách xác định tuổi cho người bị hại trong trường hợp không nhớ ngày tháng năm sinh. Chính vì thế, một số Tòa án gặp lúng túng khi xảy ra trường hợp không có giấy tờ hay lời xác nhận nào chứng minh tuổi của người bị hại. Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn để thống nhất cách tính tuổi của bị hại trong các vụ án.
Theo nguyên tắc của tố tụng hình sư cũng như các văn bản có liên quan đến việc xác định tuổi của bị cáo bao giờ cũng theo hướng có lợi cho bị cáo. Điều này là hợp lý, bởi nếu ta xác định theo hướng bất lợi cho bị cáo thì quyền lợi của người bị hại vẫn không đổi. Xét ở nguyên tắc tố tụng, khi tính tuổi cho bị cáo thì theo hướng có lợi cho bị cáo, cho nên khi xác định tuổi cho người bị hại cũng phải theo hướng có lợi cho bị cáo. Chúng ta không thể chấp nhận một nguyên tắc mà khi này thì theo hướng có lợi cho bị cáo, khi khác thì theo hướng bất lợi cho bị cáo.