Xác định lỗi và thiệt hại phát sinh trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản?

Chủ đề   RSS   
  • #605259 07/09/2023

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Xác định lỗi và thiệt hại phát sinh trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản?

    Hợp đồng cho thuê tài sản có thời hạn, không có thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng. Bên thuê chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng không được bên cho thuê đồng ý thì xử lý hậu quả pháp lý sao?

    Tìm hiểu nội dung của Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản (Ban hành theo Quyết định 269/QĐ-CA năm 2018 công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành).

    Tóm tắt nội dung vụ việc:

    Ngày 10-4-2006, Công ty TNHH D (sau đây gọi tắt là Công ty D) đã ký Hợp đồng kinh tế số 1141/HĐ-CNQN (về việc thuê đầu máy lai, dắt) với Công ty cổ phần C. Theo hợp đồng, Công ty D cho Công ty cổ phần C thuê 02 đầu máy vỏ thép loại kéo + đẩy công suất 135 CV biển kiểm soát số NB2010 và NB2172; đồng thời, nhận ba nơ lai dắt, đẩy kéo tàu của Công ty cổ phần C ra vào cảng lấy hàng tại cảng 10-10 và cảng Khe Dây Quảng Ninh; đơn giá thuê (bao gồm cả thuế VAT) là 50.000.000 đồng/tháng cho một đầu máy; chi phí toàn bộ nhiên liệu cho đầu máy do Công ty cổ phần C trả cho Công ty D theo định mức là 17 lít dầu Diezel/01 giờ nổ máy/01 máy công suất 135 CV + 0,23 lít dầu nhờn bôi trơn/01giờ/01 máy công suất, (giá nhiên liệu sẽ được hai bên tính tại thời điểm thanh toán và các khoản phát sinh hai đầu bến, nếu có). Công ty D có trách nhiệm bố trí nhân lực, chức danh trên phương tiện gồm 01 thuyền trưởng, 01 máy trưởng, 01 thủy thủ; phải chi trả toàn bộ tiền lương cho công nhân trên phương tiện.... Hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký đến hết ngày 31-12-2006.

    Ngày 17-8-2006, Công ty cổ phần C có Công văn số 2349 INDEVCO đề nghị Công ty D chấm dứt và thanh lý Hợp đồng số 1141/HĐ-CNQN ngày10-4-2006 trước thời hạn từ ngày 20-8-2006.

    Ngày 18-8-2006, Công ty D có Công văn số 59.CVCty trả lời Công văn số 2349 INDEVCO của Công ty cổ phần C với nội dung: đề nghị Công ty cổ phần C thanh toán dứt điểm số tiền thuê 02 đầu máy trong quý II năm 2006 (có Biên bản đối chiếu thanh quyết toán ngày 13-7-2006) và trong trường hợp Công ty cổ phần C không còn nhu cầu thuê 02 đầu máy kể từ ngày 20-8-2006 nữa thì đề nghị thanh quyết toán tiền thuê 02 đầu máy cho thời gian còn lại của hợp đồng từ ngày 01-8-2006 đến 31-12-2006.

    Ngày 04-9-2006, Công ty cổ phần C và Công ty D tiến hành lập Biên bản quyết toán tiền thuê đầu máy; theo đó, hai bên cùng xác định tổng số tiền Công ty cổ phần C phải trả cho Công ty D tính đến ngày 21-8-2006 là 511.539.505 đồng.

    Ngày 16-01-2007, Công ty cổ phần C đã thanh toán cho Công ty D số tiền là 511.539.505 đồng.

    Ngày 18-3-2007, sau nhiều lần thương lượng không thành, Công ty D khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty cổ phần C phải thanh toán cho Công ty D số tiền 403.000.000 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 21-8-2006 đến ngày 31-12-2006 theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm đại diện của nguyên đơn rút yêu cầu buộc thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán.

    Đại diện của Công ty cổ phần C trình bày:

    Việc ký kết và thực hiện Hợp đồng số 1141/HĐ-CNQN ngày 10-4-2006 với Công ty D như nguyên đơn trình bày. Đến ngày 17-8-2006, do không còn nhu cầu sử dụng 02 đầu máy đã thuê, Công ty cổ phần C đã có công văn gửi Công ty D đề nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Công ty cổ phần C đã thanh toán cho Công ty D 511.539.505 đồng. Công ty cổ phần C không đồng ý thanh toán cho Công ty D 403.000.000 đồng vì không đúng thực tế, yêu cầu Công ty D tính toán lại. Công ty cổ phần C chỉ chấp nhận hỗ trợ 50% tổng số kê khai nhưng phải đúng và phù hợp.

    Nhận định của Tòa án:

    [1] Ngày 10-4-2006, Công ty D cho Công ty cổ phần C thuê hai đầu máy vỏ thép và lai dắt tàu ra vào tại cảng 10-10 và cảng Khe Dây Quảng Ninh, có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31-12-2006 theo Hợp đồng kinh tế số 1141/HĐ-CNQN. Trong hợp đồng không có thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 17-8-2006, Công ty cổ phần C có Văn bản số 2349/INDEVCO thông báo chấm dứt hợp đồng từ ngày 20-8-2006 với lý do “không có nhu cầu thuê 2 đầu máy”. Thời gian Công ty cổ phần C ra văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn, đã gây thiệt hại cho Công ty D do không thể có được hợp đồng khác thay thế ngay. Lỗi thuộc về Công ty cổ phần C nên phải chịu trách nhiệm đối với khoản thiệt hại đã gây ra cho Công ty D. Thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng.

    [2] Trước khi khởi kiện, Công ty D đã có Công văn số 75CVCtyDG (không đề ngày, tháng, chỉ ghi năm 2006) yêu cầu Công ty cổ phần C thanh toán tiền thuê 02 đầu máy từ ngày 21-8-2006 đến 31-12-2006 với tổng số tiền là 250.000.000 đồng. Tại Công văn số 2774 INDEVCO ngày 17-10-2006, Công ty cổ phần C chỉ đồng ý hỗ trợ chi trả lương công nhân lái tàu. Không đồng ý nên ngày 18-3-2007, Công ty TNHH D khởi kiện yêu cầu Công ty cổ phần C phải thanh toán số tiền 403.000.000 đồng (là số tiền cho thuê 02 đầu máy trong thời gian còn lại của hợp đồng). Như vậy, đây có thể xem như là khoản thiệt hại thực tế mà nguyên đơn yêu cầu bồi thường.

    [3] Khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý để xét xử sơ thẩm lại, Công ty D yêu cầu đòi giá trị còn lại của hợp đồng từ ngày 21-8-2006 đến ngày 31-12-2008 là 403.000.000 đồng và tiền lãi. Do Công ty cổ phần C đã trả được 100.000.000 đồng nên còn phải thanh toán tiếp 303.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng yêu cầu này là không có căn cứ nên không chấp nhận vì cho đây là số tiền giá trị còn lại của hợp đồng chưa được thực hiện. Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm còn nhận định do Công ty D có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng Công ty D không yêu cầu nên không xem xét yêu cầu của Công ty D là không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của Công ty D.

    Nội dung của Án lệ:

    “[1] Ngày 10-4-2006, Công ty D cho Công ty cổ phần C thuê hai đầu máy vỏ thép và lai dắt tàu ra vào tại cảng 10-10 và cảng Khe Dây Quảng Ninh, có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31-12-2006 theo Hợp đồng kinh tế số 1141/HĐ-CNQN. Trong hợp đồng không có thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 17-8-2006, Công ty cổ phần C có Văn bản số 2349/INDEVCO thông báo chấm dứt hợp đồng từ ngày 20-8-2006 với lý do “không có nhu cầu thuê 2 đầu máy”. Thời gian Công ty cổ phần C ra văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn, đã gây thiệt hại cho Công ty D do không thể có được hợp đồng khác thay thế ngay. Lỗi thuộc về Công ty cổ phần C nên phải chịu trách nhiệm đối với khoản thiệt hại đã gây ra cho Công ty D. Thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng."

    Theo nội dung Án lệ trên, việc một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê tài sản trước thời hạn nhưng thực hiện nghĩa vụ thông báo “quá ngắn” làm cho bên kia không có đủ thời gian thu xếp sẽ được xác định là có lỗi (Thời gian Công ty cổ phần C ra văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn, đã gây thiệt hại cho Công ty D do không thể có được hợp đồng khác thay thế ngay). Vì có lỗi nên bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải chịu trách nhiệm đối với khoản thiệt hại đã gây ra cho bên kia D. Thiệt hại thực tế cần xem xét ở đây là khoản tiền cho thuê tài sản trong thời gian còn lại của hợp đồng.

     
    365 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận