Thờ cúng là một nét văn hóa có từ lâu đời của hầu hết các nước Á Đông cũng như ở Việt Nam, nó thể hiện lòng tôn kính đối với những người đã khuất và nhằm giáo dục con cháu kính trọng và nhớ công ơn của những người đi trước. Cũng chính vì thế, di sản dùng vào việc thờ cúng đã được hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh từ trước đến nay và thay đổi qua từng giai đoạn khác nhau.
Theo pháp luật hiện hành, di sản thừa kế dùng vào việc thờ cúng được quy định tại Điều 645 Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, chúng ta có thể hiểu được di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần tài sản của người chết để lại dùng vào mục đích thờ cúng và được người chết chỉ định trong di chúc và tài sản này không được phân chia thừa kế. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài việc xác định di sản dùng vào việc thờ cúng theo di chúc thì vẫn có nhiều hơn một cách để xác định di sản dùng vào việc thờ cúng mà khi người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không chỉ định một phần tài sản dùng vào việc thờ cúng. Đó là:
-
Theo ý chí người của người để lại di sản trước khi chết: Đây là trường hợp người để lại di sản đã phân chia tài sản cho những người hưởng thừa kế và mong muốn dành một phần tài sản dùng vào việc thờ cúng trước khi qua đời và không để lại di chúc. Trường hợp này, thực tế xét xử vẫn coi đây là di sản thùa kế dùng vào việc thờ cúng.
-
Theo ý chí của những người thừa kế: Khi người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không nhắc tới phần tài sản dùng vào việc thờ cúng nhưng những người thừa kế quyết định để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Thực tế, việc này được Tòa án chấp nhận.
-
Theo ý chí gia tộc của người để lại di sản: Gia tộc của người để lại di sản có thể thỏa thuận để lại một phần di sản vào việc thờ cúng khi người để lại di sản không lập di chúc dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
-
Tài sản đó được sử dụng vào việc thờ cúng từ đời này sang đời khác: Tài sản đã được các đời di chúc truyền lại và được con cháu của người có tài sản thừa nhận là dùng vào việc thờ cúng. Tòa án cũng chấp nhận tài sản đó dùng cho việc thờ cúng mặc dù không di chúc nào nói rõ điều này.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng quy định trường hợp tài sản của người để lại di sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán của người đó thì sẽ không được dành một phần tài sản dùng vào việc thờ cúng.
Trên đây là những cách xác địch di sản thừa kế sử dụng vào việc thờ cũng khi người để lại di sản không để lại di chúc hoặc không lập di chúc dành một phần tài sản dùng vào việc thờ cúng.