Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, cách nhìn nhận cũng như lối sống của giới trẻ cũng càng trở nên dễ dàng, phóng khoáng và được xã hội ủng hộ. Tuy nhiên, đi ngược lại với mặt tích cực đó, có những trường hợp khiến dư luận lên án mà điển hình là vụ nữ sinh bỏ con sơ sinh trước cổng nhà dân với tờ giấy nhắn lí do là không đủ điện kiện nuôi con. Liệu hành vi bỏ rơi con sơ sinh có vi phạm pháp luật?
Bỏ rơi trẻ trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm
Mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em, tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi của người mẹ sinh con ra nhưng không nuôi dưỡng mà bỏ rơi con ở những nơi nguy hiểm như hố ga, bãi rác hay thậm chí là nghĩa địa,... là hành vi vi phạm pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định “bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.
Một trong các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Trẻ em 2016 là “bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em”.
Đồng thời cả cha và mẹ phải có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, theo khoản 2 Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Xử lý hành vi vi phạm vứt bỏ trẻ sơ sinh
Cụ thể, thời gian gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng khi xuất hiện nhiều vụ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi,những đứa trẻ này vừa mới sinh ra và bị bỏ lại trước những nhà dân, lề đường, hố ga, nghĩa địa hay thậm chí là bãi rác, một số trường hợp trẻ sơ sinh còn cả dây rốn.
Theo đó, Tại Điều 21 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như sau:
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.
- Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, còn áp dụng hình thức phạt bổ sung là phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Không dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể tại khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Đối với trường hợp trẻ đã qua 7 ngày tuổi; người mẹ không bị ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt, những đứa trẻ chết do có hành vi vứt bỏ con của người mẹ, thì tùy vào tính chất, mức độ người mẹ có thể bị truy tố về Tội giết người theo Điều 123 BLHS 2015 có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.