Vượt đèn đỏ để bắt cướp thì có bị xử phạt không?

Chủ đề   RSS   
  • #614982 08/08/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27088
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 561 lần
    SMod

    Vượt đèn đỏ để bắt cướp thì có bị xử phạt không?

    Trường hợp đuổi theo cướp mà vượt đèn đỏ thì có thể bị xử phạt không? Mức xử phạt vượt đèn đỏ hiện nay? Vượt đèn đỏ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    (1) Vượt đèn đỏ để bắt cướp thì có bị xử phạt không?

    Căn cứ khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực thi hành từ 01/1/2025) có quy định tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, bao gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Theo đó, khi đèn tín hiệu đèn chuyển màu đỏ thì người điều khiển phương tiện không được phép đi đi.

    Tuy nhiên, tại Điều 23 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định như sau:

    - Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. 

    - Trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

    Từ những quy định nêu trên, có thể thấy, trường hợp người tham gia giao thông vì đuổi bắt cướp mà vượt đèn đỏ thì có thể được xem là hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết. Thế nên, có thể sẽ được xem xét miễn xử phạt vi phạm hành chính.

    Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, trường hợp việc vượt đèn đỏ tại đây gây hậu quả đáng tiếc như đâm chết người, làm người khác bị thương hoặc gây thiệt hại lớn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

    (2) Mức xử phạt vượt đèn đỏ hiện nay là bao nhiêu?

    Đối với lỗi vượt đèn đỏ, còn phụ thuộc vào phương tiện người lái xe điều khiển trong trường hợp này là xe máy hay ô tô mà sẽ có mức xử phạt khác nhau, cụ thể như sau:

    Đối với xe máy:

    Căn cứ điểm e khoản 4, điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng thì có thể bị phạt tiền từ 800 đến 01 triệu đồng. 

    Bên cạnh đó, người vi phạm trong trường hợp này còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng cho đến 03 tháng.

    Đối với ô tô: 

    Căn cứ điểm a Khoản 5, điểm b, c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng thì có thể bị phạt tiền từ 04 đến 06 triệu đồng.

    Đồng thời, người vi phạm trong trường hợp này còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Trường hợp gây tai nạn giao thông thì có thể tước từ 02 đến 04 tháng.

    Theo đó, hiện nay, đối với hành vi vượt đèn đỏ thì người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt theo quy định như đã nêu trên.

    (3) Vượt đèn đỏ gây tai nạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

    Căn cứ Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

    - Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, cụ thể:

    + Làm chết người.

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

    + Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, cụ thể:

    + Không có giấy phép lái xe.

    + Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác.

    + Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.

    + Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.

    + Làm chết 02 người.

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

    + Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, cụ thể:

    + Làm chết 03 người trở lên.

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

    + Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

    Ngoài ra, trường hợp vi phạm quy định trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả như đã nêu trên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

    Thêm nữa, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Tổng kết lại, trường hợp người điều khiển phương tiện có hành vi vượt đèn đỏ và gây tai nạn giao thông mà gây ra các hậu quả theo quy định như trên, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp nặng nhất có thể bị phạt tù  từ 07 năm đến 15 năm.

     
    150 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận