Vướng mắc trong việc xác định Bitcoin, Ethereum, và các loại tiền kỹ thuật số khác là tài sản trong vụ án hình sự

Chủ đề   RSS   
  • #584027 14/05/2022

    HuyenVuLS
    Top 150
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:25/07/2009
    Tổng số bài viết (575)
    Số điểm: 30553
    Cảm ơn: 141
    Được cảm ơn 800 lần
    SMod

    Vướng mắc trong việc xác định Bitcoin, Ethereum, và các loại tiền kỹ thuật số khác là tài sản trong vụ án hình sự

    Sự ra đời của Bitcoin năm 2009 và sự phát triển của các đồng tiền kĩ thuật số từ lúc được coi là mô hình đa cấp tới dần dần được sự đồng thuận của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, hoạt động mua bán, trao đổi tiền kĩ thuật số chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ, dẫn tới một số vướng mắc là các tội xâm phạm sở hữu có đối tượng là tiền ảo, tiền điện tử rất khó xác định đây được coi là một loại tài sản không? Giá trị bị chiếm đoạt được xác định như thế nào?
     
    1. Xác định tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Ethereum, Litecoin… có phải là tài sản theo quy định của pháp luật
     
    Tiền kỹ thuật số (hay “tiền điện tử, tiền mã hóa, tiền ảo”) là một dạng tiền mặt kỹ thuật số cho phép các cá nhân truyền tải giá trị trong một môi trường kỹ thuật số. Môi trường kỹ thuật số là các Blockchain khác nhau được xây dựng và phát triển bởi mỗi tổ chức, cá nhân khác nhau và có những đặc tính riêng biệt.
     
    Ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên ra thông cáo báo chí về tiền ảo. Nội dung của Thông cáo tập trung vào một số vấn đề cơ bản như sau: Khẳng định Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.
     
    tien-ao-bitcoin
     
    Ngày nay, tiền kỹ thuật số hay tiền điện tử đang trở thành xu hướng khi giao dịch trên Internet của thời đại công nghệ thông tin phát triển. Các đồng Coin này có rất nhiều loại, và đang được trao đổi, mua bán vật dụng hoặc quy sang tiền thật. Tuy nhiên, để các loại tiền này được giao dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những loại tiền này phải thỏa mãn là tài sản được quy định tại Điều 105 BLDS 2015 bao gồm:
     
    1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
     
    2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
     
    Theo đó, muốn chứng minh Bitcoin, Ethereum, NFT… hay các loại tiền kỹ thuật số khác là tài sản thì phải chứng minh nó thuộc một trong các loại được liệt kê tại Điều 105 của BLDS 2015.
     
    Đầu tiên thì Bitcoin, Ethereum, Litecoin… và các loại tiền kỹ thuật nói chung không được coi là một vật theo đúng bản chất. Hiểu theo khái niệm pháp lý, vật là tài sản, một loại tài sản hữu hình. Như vậy, muốn trở thành vật trong dân sự phải thỏa mãn những điều kiện sau: Là bộ phận của thế giới vật chất; con người chiếm hữu được; mang lại lợi ích cho chủ thể; có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai.
     
    Tiếp theo, Bitcoin, Ethereum, Litecoin…  và các loại tiền kỹ thuật khác không được coi là tiền. Tiền là một loại tài sản đặc biệt, có chức năng trao đổi ngang giá với những loại tài sản khác. Tiền do Ngân hàng Nhà nước độc quyền phát hành và được hiểu là Việt Nam đồng. Giá trị của tiền được thể hiện ở mệnh giá trên chính đồng tiền đó. Tiền giữ chủ quyền quốc gia, có giá trị sử dụng ổn định và được sử dụng rộng rãi trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh chức năng trao đổi, tiền còn có chức năng dự trữ và thanh toán trên thị trường.
     
    Tiếp nữa, Bitcoin, Litecoin, Ethereum, và các đồng tiền mã hóa khác và các NFT cũng không được liệt kê vào danh sách các giấy tờ có giá.
     
    Theo khoản 8, Điều 6, Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010; khoản 1, Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-NHNN và khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác".
     
    Căn cứ vào nội dung giải đáp về giấy tờ có giá tại Công văn 141/TANDTC-KHXX có liệt kê một số loại giấy tờ có giá như sau:
     
    “1. Điều 163 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Theo quy định tại điểm 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, thì giấy tờ có giá bao gồm:
     
    a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005;
     
    b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;
     
    c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009;
     
    d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010);
     
    đ) Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”…’’
     
    Như vậy thì chỉ những loại giấy tờ được nêu trên mới được pháp luật thừa nhận là giấy tờ có giá.
     
    Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, Bitcoin, Ethereum, Litecoin,… NFT không phải là phương tiện được phép thanh toán trên thị trường. Hay nói cách khác, nó không được phép dùng để thay thế tiền mặt hoặc phương tiện thay thế tiền mặt kể trên trong các giao dịch mua bán.
     
    Cuối cùng, Bitcoin, Litecoin, Ethereum,.. NFT không được coi là một quyền tài sản bởi lẽ, quyền tài sản là quyền trị giá tính bằng tiền, gồm có quyền tài sản đối với đối tượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác (quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền địa dịch…). Quyền tài sản có thể được chia thành hai loại: Quyền đối nhân và quyền đối vật. Quyền đối vật là quyền chủ thể được tác động trực tiếp vào vật nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình như quyền cầm cố, quyền sở hữu, quyền hưởng hoa lợi, quyền thế chấp,… Quyền đối nhân là quyền chủ thể này đối với chủ thể khác. Quyền đối nhân được đáp ứng nếu bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền (quyền đòi nợ, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hợp đồng…).
     
    Như vậy, có thể thấy tiền kỹ thuật số không được coi là tài sản theo quy định của Pháp luật Việt Nam.
     
    2. Một số vướng mắc về giải quyết đồng tiền này trong vụ án hình sự
     
    Vướng mắc thứ nhất, thời điểm xác định quy đổi các đồng tiền kĩ thuật số ra tiền Việt Nam để định tội danh
     
    Để làm rõ vướng mắc này, tác giả đưa ra một ví dụ: Tháng 1/2020 A có vay B 2 Bitcoin (BTC) để thực hiện góp vốn ICO mua một đồng tiền phái sinh nhằm mục đích sinh lời và hứa sau khi hoàn thành ICO sẽ trả B 2 BTC, việc vay mượn này được thực hiện bằng một hợp đồng viết tay của A đối với B. Tháng 4, B thấy ICO đã hoàn thành mà A chưa trả số BTC mà A vay nên có đòi A, tuy nhiên A đã trốn đi nơi khác và hiện không có thông tin gì về A. B đến trình báo tại cơ quan công an, qua điều tra xác minh nhận thấy A có dấu hiệu tội Lạm dụng tín nhiệm đoạt tài sản và cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố A về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 175 của BLHS.
     
    Trong vụ án này, việc quy đổi tài sản bị chiếm đoạt được xác định thời điểm A vay B hay thời điểm A bị khởi tố. Tháng 1/2020 1 BTC có giá trị trên các sàn giao dịch là 15.000 USD tương đương số tiền chiếm đoạt là 400.000.000 VNĐ, thời điểm B bị khởi tố thì giá trị 1 BTC là 60.000 USD tương đương số tiến chiếm đoạt 1.400.000.000 VNĐ. Nên xảy ra vướng mắc về xác định giá trị chiếm đoạt dẫn tới thay đổi khung trong Điều luật và thẩm quyền xét xử vụ án hình sự đối với A.
     
    Vướng mắc thứ hai trong việc xử lý vật chứng đối với các loại tiền kĩ thuật số trong vụ án hình sự
     
    Căn cứ Điều 47 của BLHS 2015 thì tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được xử lý như sau:
     
    1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
     
    a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
     
    b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
     
    c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.
     
    2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
     
    3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
     
    Theo khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định về xử lý vật chứng, vật chứng được xử lý như sau:
     
    a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
     
    b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
     
    c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
     
    Theo đó, những vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Những vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
     
    Nhìn lại từ việc phân tích Bitcoin, Ethereum, Litecoin, BNB,… và các loại tiền kỹ thuật số khác không được công nhận là tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tại Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng nhà nước có nội dung sau: Căn cứ quy định nêu trên, tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung).
     
    Như vậy, đối với các loại tài sản trên theo quy định của pháp luật là cấm lưu hành, trao đổi và việc xử lý chúng trong vụ án hình sự được thực hiện theo điểm c khoản 1 Điều 47 của BLHS và điểm a khoản 2 Điều 106 của BLTTHS: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy.
     
    Tuy nhiên, các đồng tiền này có thể quy đổi được sang giá trị là tiền, ngoại tệ thì việc xử lý vật chứng có gây lãng phí? Thêm nữa, giá trị của các đồng tiền này thường biến động một cách nhanh chóng trong 1 giờ thậm chí là 10 phút đã có thể tăng hoặc giảm 50% giá trị thì việc xác định giá trị các đồng tiền này được xác định là thời điểm nào?
     
    Ví dụ: Nguyễn Anh T làm nhân viên bán hàng tại tiệm vàng X, trong thời gian 2 năm từ năm 2018 đến năm 2020, T đã ăn trộm tiệm vàng X giá trị 50 cây vàng và bán được 2.500.000.0000 đồng. T dùng số tiền đó mua Bitcoin, Ethereum và vật phẩm NFT trên sàn giao dịch Binance được số tài sản như sau: 10 BTC, 50 ETH và 4 vật phẩm NFT về nghệ thuật. T mang số tài sản 10 BTC, 50 ETH đem cho vay trên sàn Binance, tính đến thời điểm bị bắt ngày 14/2/2021 số tài sản mã hõa của T được tăng lên giá trị gồm 13BTC, 80ETH và 4 vật phẩm NFT. Giá trị tài sản được thống kê theo trang Coinmarketcap chuyên thống kê tài sản kỹ thuật số số tiền đến thời điểm T bị bắt là giá BTC là 60.000USD, ETH là 4000USD, tổng giá trị 3 vật phẩm NFT là  300.000USD. Theo đó, tổng giá trị tài sản tiền kỹ thuật số của T được tính toán đến thời điểm bị bắt là 60.000$ x 13 + 80 x 4000$ + 300.000$ = 1.400.000 USD ( tương đương ~ 32.200.000.000 đồng).
     
    Quan điểm giải quyết số vật chứng là tiền kỹ thuật số có được do hành vi phạm tội của T hình thành 2 quan điểm sau:
     
    Quan điểm 1: Cho rằng đây là loại tài sản có được từ hành vi phạm tội, pháp luật một số quốc gia trên thế giới đã thừa nhận đây là một tài sản được phép giao dịch. Do vậy, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 47 của BLHS, điểm b khoản 2 Điều 106 của BLTTHS thì thì tịch thu số tiền kỹ thuật số của T, nộp ngân sách nhà nước. Cơ quan đang bảo quản vật chứng căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 106 có thể bán theo quy định của pháp luật.
     
    Quan điểm 2: Cho rằng đây không phải tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật chưa có quy định về mua bán tài sản là các đồng tiền kỹ thuật số, NFT,.. Nên căn cứ điểm c khoản 2 Điều 106 thì bị tịch thu và tiêu hủy.
     
    Theo quan điểm của người nghiên cứu đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng đây là một loại tài sản. Bởi theo pháp luật một số nước trên thế giới cụ thể là quốc gia El Salvador đã xây dựng pháp luật riêng cho tiền kỹ thuật số, cho phép mua bán các loại tiền kỹ thuật số đặc biệt là Bitcoin; Hoa Kì với sàn giao dịch tiền ảo nổi tiếng Coinbase, FTX, BTC ở Hoa Kì được chuyển đổi sang ETF Bitcoin được niêm yết trên sàn NYSE. Do đó, đối với vật chứng là tiền kỹ thuật số, NFT thì đây được coi là tài sản và có thể bán được.
     
    3. Một số kiến nghị hoàn thiện
     
    Chúng ta nhìn lại lịch sử phát triển của tiền kỹ thuật số, cụ thể là Bitcoin được tạo ra từ năm 2007 tới nay, với sứ mệnh của Bitcoin là tạo ra đồng tiền không bị ngân hàng hay tổ chức nào có thể thao túng và quản lý và được công khai, minh bạch trên một mạng lưới tổng ai cũng có thể kiểm tra được. Đến nay nhiều quốc gia đã công nhận và đưa nó trở thành một loại tài sản có thể giao dịch, với sự phát triển của xã hội và kinh tế tôi đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện về xử lý vật chứng đối với các loại tài sản là tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền kĩ thuật số, tiền điện tử) như sau:
     
    1. Pháp luật cần có cái nhìn tích cực hơn về tiền kỹ thuật số
     
    Cụ thể là cần có quy định cụ thể và rõ ràng, đưa ra một chuẩn mực pháp lý đối với tài sản là các đồng tiền kỹ thuật số, tiền kỹ thuật số
     
    2. Cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới
     
    Trong thời gian tới, Việt Nam cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới trong BLDS - tài sản kỹ thuật số. Khái niệm về tài sản tại Điều 105 BLDS năm 2015 cần có sự sửa đổi theo hướng bổ sung thêm“các loại tài sản khác do pháp luật quy định”.
     
    Việc pháp luật ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay, cũng như bắt kịp được xu thế chung của thế giới. Bên cạnh đó, việc xác định được tình trạng pháp lý của tiền ảo cũng sẽ là cơ sở vững chắc, tạo nền móng cho quá trình xây dựng các quy định về các vấn đề khác có liên quan, như quản lý hoạt động ICO, sàn giao dịch, thuế đối với tiền ảo... Đây đều là những lĩnh vực có ảnh hưởng tương đối lớn đến nền kinh tế trong nước và đời sống giao lưu dân sự ở phạm vi nội địa hay liên quốc gia. Một khung pháp lý hợp lý, toàn diện dựa trên nền tảng xác định tiền ảo là một loại tài sản sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật trong sử dụng tiền ảo (như rửa tiền, tẩu tán tài sản...).
     
    3. Khi xử lý vật chứng là tiền kỹ thuật số trong vụ án hình sự, cần có một bộ phận chuyên môn về xử lý tiền kỹ thuật số, bởi đây có thể coi là tài sản khó kiểm soát, được xác minh trên các mạng, độ bảo mật cao.
     
    VĂN HÒA (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3)
    Tạp chí Tòa án
     
    1328 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn HuyenVuLS vì bài viết hữu ích
    admin (17/05/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #584700   31/05/2022

    Vướng mắc trong việc xác định Bitcoin, Ethereum, và các loại tiền kỹ thuật số khác là tài sản trong vụ án hình sự

    Tiền điện tử đang trở thành xu hướng khi giao dịch trên Internet của thời đại công nghệ thông tin phát triển. Các đồng Coin này có rất nhiều loại, và đang được trao đổi, mua bán vật dụng hoặc quy sang tiền thật. Ở mỗi quốc gia, luật pháp cũng ngày càng cập nhật và từng bước hợp pháp hóa để phù hợp hơn với xu hướng phát triển của tiền ảo nói chung.

     
    Báo quản trị |  
  • #588940   31/07/2022

    Căn cứ Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bảo gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
    Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở một trong bốn dạng:
    - Vật: Là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và con người có thể chiếm hữu, kiểm soát được; ví dụ như nhà, xe, bàn ghế…
    - Tiền: Là phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ dùng để định giá các loại tài sản khác. Tiền bao gồm tiền nội tệ và ngoại tệ. Tiền có thể tồn tại dưới dạng giấy, polymer, xu hoặc tiền điện tử (e-money).
    - Giấy tờ có giá: Là loại giấy tờ trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá phải do các chủ thể được phép phát hành. Giấy tờ có giá bao gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu, công trái...
    - Quyền tài sản: Là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền đòi nợ, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt...
    Như vậy, đối chiếu với quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong bốn loại nêu trên.
    Mặc dù pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận tiền ảo là tài sản và không bảo hộ các giao dịch của các chủ thể liên quan đến tiền ảo. Song, nếu chủ thể lợi dụng các giao dịch về tiền ảo nhằm thực hiện các hành vi bị cấm (như rửa tiền, tài trợ khủng bố) hoặc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi.
    Cập nhật bởi Thanhngoc209 ngày 31/07/2022 11:25:04 SA
     
    Báo quản trị |