Vớt được bom nhưng giữ lại, người dân sẽ bị phạt thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610906 24/04/2024

    btrannguyen
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (239)
    Số điểm: 3136
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 52 lần


    Vớt được bom nhưng giữ lại, người dân sẽ bị phạt thế nào?

    Nếu người dân phát hiện và trục vớt được bom đạn còn sót lại do chiến tranh hay vì lý do nào đó, mà sau khi lấy được thì có phải giao lại cho Nhà nước không? Nếu người dân giữ lại thì có bị ở tù không?

    Vớt được bom thì có được giữ lại không?

    Theo khoản 1 Điều 63 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 về nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có quy định như sau:

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất trong trường hợp không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ nguồn nào hoặc phát hiện, thu nhặt được.

    Như vậy, khi vớt được bom hoặc các chất nổ khác thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp ngay cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

    Vớt được bom nhưng không giao nộp thì bị phạt bao nhiêu tiền?

    Theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm có quy định như sau:

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    + Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

    + Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

    + Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự;

    + Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn;

    + Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

    + Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

    + Làm mất vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;

    + Cưa, cắt, đục hoặc thực hiện các thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi và các loại vũ khí khác trái phép;

    + Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức.

    - Hình thức xử phạt bổ sung:

    + Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

    + Tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng, Giấy xác nhận đăng ký vũ khí, công cụ hỗ trợ từ 03 tháng đến 06 tháng

    + Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa từ 09 tháng đến 12 tháng

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường

    + Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm 

    + Buộc nộp lại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo

    Như vậy, nếu người vớt được bom mà không giao nộp thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi tàng trữ vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Đồng thời, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trên phải thực hiện thêm các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả

    Vớt được bom nhưng không giao nộp có bị ở tù không?

    Theo Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 107 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội tàng trữ, chiếm đoạt vật liệu nổ có quy định như sau:

    - Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    + Có tổ chức;

    + Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;

    + Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;

    + Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

    + Làm chết người;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    + Tái phạm nguy hiểm.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    + Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;

    + Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;

    + Làm chết 02 người;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

    + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

    + Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;

    + Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;

    + Làm chết 03 người trở lên;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

    + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, vớt được bom nhưng không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền có thể bị phạt tù từ 01 năm đến chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

     
    22 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận