Vốn điều lệ được định nghĩa tại Khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần. Có thể hiểu đơn giản là tổng tài sản do những người sáng lập và đồng sáng lập góp vốn để thành lập doanh nghiệp. Về vốn điều lệ thì sẽ có những nguyên tắc như sau:
Một là doanh nghiệp phải kê khai vốn điều lệ một cách trung thực nhất và chịu trách nhiệm với việc kê khai đó.
Thông thường tại Việt Nam, các doanh nghiệp kê khai vốn điều lệ theo sở thích bởi vì cơ quan nhà nước không có trách nhiệm phải kiểm tra hay xác thực việc kê khai của doanh nghiệp. Chính vì thế, việc chịu trách nhiệm của doanh nghiệp về việc kê khai của mình là rất quan trọng.
Hai là thời gian góp vốn.
Theo Khoản 2 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 thì thời gian tối đa để các thành viên góp vốn theo cam kết là 90 ngày , tuy nhiên các thành viên có thể thỏa thuận với nhau về thời gian góp vốn có thể là 50, 60 hay 70 ngày nhưng không được quá 90 ngày.
Ba là tài sản góp vốn.
Tài sản góp vốn không nhất thiết phải là tiền mà có thể là nhiều loại tài sản khác như là quyền sử dụng đất, máy móc hay thậm chí là quyền sở hữu trí tuệ miễn sao được các thành viên thỏa thuận bằng văn bản và được ghi nhận bởi Sở kế hoạch và Đầu tư.
Bốn là tỉ lệ góp vốn.
Tỉ lệ góp vốn ảnh hưởng đến một số quyền trong điều hành doanh nghiệp. Cụ thể, những quyết định thông thường được thông qua khi đạt tối thiểu 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và 51% đối với công ty cổ phần. Những quyết định đặc biệt thì phải cần tới 75% đối với công ty TNHH và 65% đối với công ty cổ phần. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể được doanh nghiệp điều chỉnh trong điều lệ của doanh nghiệp.
Trên đây là định nghĩa và nguyên tắc về vốn điều lệ.