Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về vấn đề tài chính luôn là nỗi lo của mỗi người đặc biệt là những người đã có gia đình, cũng chính vì thế mà nhiều cánh mày râu “than trời” khi bị vợ siết chặt chi tiêu – nếu vợ là người giữ tiền, nhiều bạn đặt câu hỏi đến Dân Luật hướng dẫn giải pháp để “đòi lại công bằng” khi tiền chính mình làm ra mà không được sử dụng vào mục đích chính đáng.
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Theo đó, nếu không có thỏa thuận khác thì tài sản là nguồn thu nhập tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ, chồng. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với nguồn tài sản này.
Trường hợp vợ không đưa tiền cho chồng khi chồng có mục đích sử dụng tài sản chính đáng thì có thể bị phạt hành chính theo Khoản 1 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng.
Về nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan. Nếu không phải là đòi hỏi quá đáng thì các cô vợ cũng nên thoải mái với chồng mình xíu nhé, không lại đi lấy tiền của mình đi làm chuyện công ích.